Một số vi phạm, thiếu sót của Viện kiểm sát cấp huyện trong giải quyết án hình sự năm 2016 và giải pháp khắc phục

Thứ tư - 18/01/2017 22:39 4.583 0

VKSND tỉnh Bình Phước

VKSND tỉnh Bình Phước
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CHUNG
1.1. Tình hình án hình sự sơ thẩm bị hủy điều tra, xét xử lại
Trong năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước thụ lý: 164 vụ/243 bị cáo có kháng nghị, kháng cáo. Đã xét xử phúc thẩm 136 vụ/206 bị cáo, trong đó Tòa án hủy án để điều tra lại là 13 vụ/20 bị cáo (không có án hủy để xét xử lại), chiếm tỷ lệ 9,6% số vụ án đã xét xử phúc thẩm. Cụ thể như sau:
- Huyện Bù Đốp: Bị hủy 03 vụ/03 bị cáo (vụ Nguyễn Ngọc Long - Đ135 BLHS, vụ Lê Thị Thủy - Đ140 BLHS, vụ Đoàn Sỹ Nguyên - Đ104 BLHS);
- Huyện Bù Đăng: Bị hủy 03 vụ/03 bị cáo (vụ Thái Hữu Cam - Đ281 BLHS, vụ Nguyễn Văn Hùng - Đ135 BLHS, vụ Nguyễn Văn Thắng - Đ104 BLHS);
- Huyện Bù Gia Mập: Bị hủy 01 vụ (vụ Trần Xuân Dũng - Đ104 BLHS);
- Huyện Phước Long: Bị hủy 01 vụ (vụ Lữ Mạnh Hùng - Đ135 BLHS);
- Huyện Đồng Phú: Bị hủy 02 vụ/03 bị cáo (vụ Nông Đức Sơn - Đ104 BLHS, vụ Lê Minh Thiện - Đ104 BLHS);
- Thị xã Đồng Xoài: Bị hủy 01 vụ/06 bị cáo (vụ Điểu Huân cùng đồng phạm - Đ104 BLHS);
- Thị xã Bình Long: Bị hủy 01 vụ/01 bị cáo (vụ Bùi Xuân Vĩnh - Đ133 BLHS);
- Huyện Hớn Quản: Bị hủy 01 vụ/02 bị cáo (vụ Hồ Văn Đạt cùng đồng phạm - Đ133, Đ138 BLHS).
 Lý do hủy án phần lớn là do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự của bị cáo; để lọt tội; xác định sai tội danh; thiếu sót trong áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS).
1.2. Tình hình án hình sự Tòa án tuyên không phạm tội
Trong năm 2016, TAND cấp huyện của tỉnh Bỉnh Phước thụ lý xét xử sơ thẩm: 984 vụ/1668 bị cáo; đã xét xử: 929 vụ/ 1574 bị cáo, trong đó tuyên 01 vụ/01 bị cáo không phạm tội. Đó là vụ án Nguyễn Thành Long bị VKSND huyện Bù Gia Mập truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 281 BLHS. TAND huyện Bù Gia Mập đã tuyên bị cáo Nguyễn Thành Long không phạm tội.
1.3. Công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự cấp huyện
- Tổng số kháng nghị: 24vụ/42 bị cáo, trong đó:
+ Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện kháng nghị: 19 vụ/34 bị cáo;
+ VKSND tỉnh (Phòng 7) kháng nghị: 05 vụ/08 bị cáo.
- Kết quả đã giải quyết: 20 vụ/35 bị cáo.
+ TAND tỉnh chấp nhận kháng nghị: 09 vụ/ 14 bị cáo (Phòng 7 có 03 vụ/04 bị cáo; VKSND cấp huyện có 06 vụ/10 bị cáo);
+ TAND tỉnh không chấp nhận kháng nghị: 01vụ/01 bị cáo (của VKSND cấp huyện);
+ VKS rút kháng nghị: 10 vụ/20 bị cáo (Phòng 7 có 01 vụ/01 bị cáo; VKSND cấp huyện có 09 vụ/19 bị cáo).
- Còn lại chưa xét xử: 04 vụ/07 bị cáo (Phòng 7 có 01 vụ/03 bị cáo; VKSND cấp huyện có 03 vụ/04 bị cáo).
Nhận xét chung: Công tác kháng nghị phúc thẩm được Lãnh đạo VKSND hai cấp của tỉnh rất chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng kháng nghị chưa cao, tình trạng VKSND cấp huyện kháng nghị phúc thẩm nhưng sau đó VKSND tỉnh rút kháng nghị còn xảy ra nhiều (09 vụ/19 vụ chiếm tỷ lệ 47,4%).
1.4. Công tác kiểm sát và sao gửi bản án sơ thẩm
Năm 2016, TAND cấp huyện của tỉnh Bỉnh Phước đã xét xử sơ thẩm là 929 vụ án hình sự. Tổng số bản án sơ thẩm mà VKSND cấp huyện đã gửi đến Phòng 7 VKSND tỉnh Bình Phước là 744 bản án, như vậy còn 185 bản án VKSND cấp huyện chưa gửi. Trong đó gửi quá hạn theo quy định là 206 bản án, cụ thể: VKSND Thị xã Đồng Xoài là 30 bản án gửi quá hạn/133 bản án đã gửi; VKSND huyện Đồng Phú là 06 bản án gửi quá hạn/56 bản án đã gửi; VKSND thị xã Bình Long là 26 bản án gửi quá hạn/46 bản án đã gửi; VKSND huyện Phú Riềng là 27 bản án gửi quá hạn/55 bản án đã gửi; VKSND thị xã Phước Long là 08 bản án gửi quá hạn/54 bản án đã gửi; VKSND huyện Bù Đốp là 17 bản án gửi quá hạn/32 bản án đã gửi; VKSND huyện Bù Gia Mập là 08 bản án gửi quá hạn/20 bản án đã gửi; VKSND huyện Bù Đăng là 40 bản án gửi quá hạn/132 bản án đã gửi; VKSND huyện Chơn Thành là 42 bản án gửi quá hạn/54 bản án đã gửi; VKSND huyện Hớn Quản là 02 bản án gửi quá hạn/73 bản án đã gửi; Riêng VKSND huyện Lộc Ninh không có bản án gửi quá hạn/89 bản án đã gửi.
Nhận xét chung: Việc VKSND cấp huyện không gửi hoặc chậm gửi bản án sơ thẩm và phiếu kiểm sát bản án đến Phòng 7 VKSND tỉnh Bình Phước là chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao, dẫn đến việc VKSND tỉnh không còn thời hạn để kháng nghị phúc thẩm.
II. NHỮNG VI PHẠM, THIẾU SÓT CẦN RÚT KINH NGHIỆM
2.1. Đối với các vụ án hình sự bị hủy để điều tra lại
2.1.1. Vi phạm, thiếu sót về thủ tục tố tụng, thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật
Vụ Đoàn Sĩ Nguyên phạm tội “Cố ý gây thương tích”:
Trong vụ án này, người bị hại Nguyễn Minh Hiếu bị đứt 04 gân ngón tay ở bàn tay trái (không tự chăm sóc được) mẹ của Hiếu là bà Nguyễn Thị Thu Lê đã trực tiếp chăm sóc Hiếu 04 tháng (theo lời khai tại phiên tòa phúc thẩm), các chi phí điều trị, chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe, tiền xe đi lại… đều do bà Lê bỏ ra chi phí, nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ và không đưa bà Lê tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là có thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lê.
Bị cáo Đoàn Sĩ  Nguyên trong vụ án này và bị cáo Đoàn Sỹ Nguyên trong Bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2008/HSST ngày 18/09/2008 của TAND huyện Bù Đốp có phải là một người không? Lý do vì sao chữ lót không thống nhất, khi thì là “i” khi thì là “y”?
Tại Bản lý lịch bị can (bút lục 49) có thể hiện “Năm 2007 có hành vi trộm cắp tài sản và bị  Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp xử phạt 9 tháng tù” nhưng trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện bị cáo đã chấp hành án xong chưa ? Có giấy “Chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù” của nơi bị án đã thụ hình cấp cho không ?
Tại biên bản xác minh, ngày 15/10/2015 (bút lục 21) cán bộ điều tra đi xác minh chỉ đặt yêu cầu xác minh “Việc chấp hành án phí theo bản án số 25/2008/HSST ngày 18/09/2008 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp” chứ không yêu cầu xác minh các nội dung khác trong phần Quyết định của bản án. Việc bản án 25/2008/HSST tuyên buộc bị cáo Đoàn Sỹ Nguyên phải hoàn trả cho ông Hồng Minh Tý số tiền 400.000 đồng thì không được xác minh, bị cáo đã chấp hành xong chưa? Chấp hành vào ngày tháng năm nào ? (Cơ sở để xem xét việc xóa án tích theo quy định của pháp luật).
Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo Nguyên đã dùng dao chém 03 nhát vào người bị hại Nguyễn Minh Hiếu, chứng tỏ bị cáo Nguyên phạm tội có tính chất côn đồ được quy định tại Điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS, nhưng VKSND huyện Bù Đốp không truy tố tình tiết này và Bản án số 67/2015/HSST ngày 26/11/2015 của TAND huyện Bù Đốp đã không nhận định, đánh giá để lượng hình mà vẫn cho bị cáo Nguyên được hưởng án treo là có thiếu sót, áp dụng không đúng quy định của pháp luật.
2.1.2. Vi phạm, thiếu sót về thủ tục tố tụng và thu thập, đánh giá chứng cứ
Vụ Trần Xuân Dũng phạm tội “Cố ý gây thương tích”:
Các tài liệu như Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, các quyết định phê chuẩn, văn bản yêu cầu điều tra xác minh có việc sửa chữa ngày, tháng không hợp lệ.
Lý lịch bị can, yêu cầu tra cứu được lập trước ngày khởi tố vụ án.
Lời khai của người bị hại Vũ Huy Duyên được CQCSĐT Công an huyện Bù Gia Mập lấy trước khởi tố vụ án (ngày 9/4/2015), sau khởi tố không lấy lại lời khai người bị hại là vi phạm thủ tục tố tụng (không chuyển hóa chứng cứ).
Biên bản khám nghiệm hiện trường và bản vẻ kèm theo không thể hiện đầy đủ và chính xác thông tin để chứng minh diễn biến hành vi của bị cáo và người bị hại. Trong các tài liệu này chỉ thể hiện một ký hiệu X là nơi xảy ra sự việc bị cáo đánh gây thương tích cho người bị hại. Trong khi diễn biến sự việc theo lời khai của bị cáo và người bị hại thì hai bên có sự xô xát rượt đuổi nhau. Hơn nữa theo Bản kết luận điều tra, Cáo trạng, cũng như Bản án sơ thẩm, vị trí cây mít bị cưa là nằm trên ranh giới của hai thửa đất, nhưng sơ đồ hiện trường lại thể hiện các vị trí này cách mép đường 2,5m; tại phiên tòa phúc thẩm ông Duyên cũng cho rằng sơ đồ hiện trường thể hiện không đúng thực tế.
CQCSĐT Công an huyện Bù Gia Mập chỉ lấy lời khai một lần duy nhất của bị cáo Trần Xuân Dũng sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, VKSND huyện Bù Gia Mập không phúc cung trong khi lời khai của bị cáo và người bị hại có mâu thuẫn.
Tại biên bản sự việc do Công an viên xã Phú Trung lập sự việc xảy ra có sự chứng kiến của 03 người cưa cây, nhưng hồ sơ vụ án chưa lấy lời khai 03 người này.
Hồ sơ vụ án cần xác định rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, tại phiên tòa người bị hại cũng thừa nhận một phần lỗi nên cũng cần xác định rõ mức độ lỗi; đồng thời cũng cần điều tra xác định có việc đánh trả để phòng vệ như bị cáo khai hay không, để có cơ sở xác định đúng tính chất mức độ hành vi mà bị cáo đã thực hiện để xem xét trách nhiệm hình sự tương xứng.
2.1.3. Vi phạm, thiếu sót về thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật
 - Vụ Nguyễn Văn Hùng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”:
Các lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Hùng, người bị hại Nguyễn Văn Chuyên; người có quyền và nghĩa vụ liên quan Trương Văn Bắc còn một số mâu thuẫn, chưa làm rõ động cơ, mục đích và vai trò của Trương Văn Bắc trong vụ án. CQCSĐT Công an huyện Bù Đăng chưa lấy lời khai chi tiết của những người này, làm rõ từng mâu thuẫn, cho đối chất từng vấn đề để có kết luận đầy đủ, chính xác những vấn đề cần chứng minh trong vụ án.
Làm rõ phương tiện phạm tội: VKSND huyện Bù Đăng chưa yêu cầu CQCSĐT Công an huyện Bù Đăng làm rõ khi đến nhà anh Nguyễn Văn Chuyên, bị cáo Hùng và các đối tượng liên quan đi bằng phương tiện gì? Nếu đi xe mô tô thì làm rõ đặc điểm, chủ sở hữu của chiếc xe. Hiện nay, chiếc xe đó ở đâu? Cần phải thu giữ để xử lý không? Khi tiến hành bắt quả tang hành vi phạm tội của bị cáo Hùng gồm những ai? Có thu giữ vật chứng gì không? Lấy lời khai những người này để làm rõ.
Xác minh nhân thân hai đối tượng tên Thương và Sơn: Qua lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Hùng; người bị hại Nguyễn Văn Chuyên; người có quyền và nghĩa vụ liên quan Trương Văn Bắc có thể xác định hai đối tượng tên Thương và Sơn là đồng phạm trong vụ án. Viện KSND huyện Bù Đăng chưa yêu cầu CQCSĐT Công an huyện Bù Đăng thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc điều tra, xác minh, làm rõ nhân thân hai đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời làm rõ vai trò của Trương Văn Bắc trong vụ án.
- Vụ Điểu Huân phạm tội “Cố ý gây thương tích”:
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án, cụ thể:
+ CQCSĐT Công an thị xã Đồng Xoài chưa tiến hành thu thập hồ sơ bệnh án ban đầu, kết hợp với giấy chứng nhận thương tích của người bị hại Đinh Ngọc Du để giám định đầy đủ các thương tích. Theo giấy chứng nhận thương tích số 486/CN ngày 30/9/2014 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cho Đinh Ngọc Du có các thương tích: Vết lằn đỏ phía đỉnh - chẩm phải; vết lằn phía ngoài 1/3 trên cánh tay (P); 01 vết thương nhỏ # 0,5cm đùi (P); Kết quả X - Quang lồng ngực thẳng: không thấy tổn thương; Kết quả CT Scan sọ não: tụ máu dưới màng cứng bán cầu (P), đường giữa di lệch trái, hệ thống não thất (P) bị chèn ép. Trong khi đó, bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 311/2014/TgT ngày 03/11/2014 kết luận, người bị hại Đinh Ngọc Du có dấu hiệu chính qua giám định: “Chấn thương đầu tụ máu dưới màng cứng bán cầu phải đã phẫu thuật lấy máu tụ (sẹo mổ hình vòng cung trán - đỉnh thái dương phải đường kính (33 x 0,5)cm, khuyết sọ thái dương phải đường kính (12 x8) cm đáy phập phồng, yếu ½ người bên trái.
Thị lực: Mắt phải: 10/10. Mắt trái: 10/10. Hai mắt bình thường.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại: 77%”.
Từ bản kết luận giám định trên, theo lời khai của các bị cáo Điểu Khải, Điểu Ngọc, Điểu Hắc là dùng cây, tuýt sắt đánh vào chân bị hại Đinh Ngọc Du nhưng chưa xem xét giám định tỷ lệ thương tích đối với các thương tích ở cánh tay, đùi (P) là thiếu sót. Đồng thời, cấp sơ thẩm cũng chưa xác định trách nhiệm cụ thể của Điểu Khải, Điểu Hắc, Điểu Ngọc về hậu quả gây thương tích cho bị hại Đinh Ngọc Du như thế nào, thương tích tỷ lệ là bao nhiêu.
+ Chưa làm rõ mâu thuẫn giữa các lời khai của Điểu Huân, Điểu Tèo và Điểu Khải: Lời khai của Điểu Huân (bút lục số 70, 72, 77) khai khi biết Đinh Ngọc Du cùng một số người bạn của Du đang ngồi nhậu tại quán bà Trần Thị Ngọc thì Huân có kêu Chinh đi báo cho Điểu Khải biết. Lời khai của Điểu Tèo (bút lục số 151, 153, 155) khai nhận Điểu Khải có đến nói với Tèo là Điểu Huân rủ đi đánh Đinh Ngọc Du. Sau đó Khải về nhà lấy 01 ống tuýp sắt. Lời khai của Điểu Khải (bút lục số 84, 86, 88, 91) bản tự khai (bút lục số 93) thể hiện khi nhìn thấy Điểu Huân đang cầm khúc cây đuổi đánh Đinh Ngọc Du, cách nơi Khải đứng khoảng 200m, Khải nghĩ chuyện trước đó bị Du đánh nên Khải đi về nhà lấy mã tấu mang ra chỗ Du để đánh Du nhưng ra đến sau lưng nhà văn hóa gặp Điểu Tèo thì Tèo nói đưa mã tấu cho Tèo, Khải đồng ý.
+ Chưa làm rõ động cơ, mục đích của Điểu Chinh:  Điểu Huân khai nhận Điểu Chinh là người báo cho Điểu Huân biết việc Du và nhóm bạn của Du đang nhậu tại quán của bà Ngọc, Huân có kêu Chinh đi báo cho Điểu Khải biết (bút lục số 70, 71, 72, 73, 77). Lời khai của Điểu Tèo (bút lục 152), lời khai Điểu Ngọc (bút lục 133) khẳng định có Điểu Chinh tham gia đánh Du.
Chưa điều tra làm rõ vai trò của Điểu Hí có đồng phạm trong vụ án không: Theo lời khai của Đỗ Đức Đương, Điểu Dũng (sinh năm 1989), Điểu Dũng (sinh năm 1992), Điểu Ngọc Thanh, Trần Thị Ngọc thể hiện tại quán nhậu thấy có Điểu Hí đi một mình một xe đến cùng với Điểu Huân, Điểu Tâm, Điểu Ven và dùng tay đánh Điểu Dũng (sinh năm 1992).
2.1.4. Vi phạm, thiếu sót về thủ tục tố tụng
Vụ Nguyễn Văn Thắng phạm tội “Trộm cắp tài sản”:
Tại biên bản giao nhận hồ sơ vụ án giữa VKSND huyện Bù Đăng và TAND huyện Bù Đăng (bút lục 90) thể hiện kèm theo hồ sơ vụ án có một sổ điều trị ngoại trú động kinh. Theo nội dung ghi trong sổ, Nguyễn Văn Thắng điều trị bệnh động kinh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ trong thời gian từ 28/5/2010 đến 28/5/2011; tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thắng cũng khai nhận bị cáo bị bệnh động kinh chưa điều trị khỏi, khoảng 01 đến 02 tháng bị cáo bị động kinh một lần; hiện nay vẫn tiếp tục điều trị bằng cách tự mua thuốc về uống.
Như vậy, bị cáo Nguyễn Văn Thắng có dấu hiệu là người bị nhược điểm về tâm thần, nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, VKSND huyện Bù Đăng không yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện Bù Đăng hoặc ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Thắng để xác định tình trạng tâm thần, là vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); không mời người đại diện hợp pháp của Thắng tham gia tố tụng và cử người bào chữa là vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 57, Điều 306 BLTTHS.
2.1.5. Thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ
- Vụ Thái Hữu Cam phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”:
Quá trình điều tra (BL 252, 254, 258, 261, 263) và tại phiên tòa phúc thẩm ông Đậu Xuân Quý khai: Khi Công ty cao su Phú Thịnh đã trồng cao su được 01 năm tuổi nhưng vẫn chưa bàn giao 50% diện tích cao su cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng (BQLRPHBĐ) thì ông Quý có vào phòng làm việc của ông Thái Hữu Cam giám đốc BQLRPHBĐ hỏi xem tình hình thế nào thì Thái Hữu Cam nói “muốn để bàn giao diện tích cao su sớm cho Ban thì cần một số tiền để lo lót cho huyện”nên ông Quý có nói với bà Mai gặp Thái Hữu Cam. Sau này ông nghe bà Mai nói lại là đã đưa cho Thái Hữu Cam 200 triệu đồng và bà Mai đã cộng số tiền này vào tiền đầu tư dự án.
Lời khai của bà Phạm Thị Mai thể hiện việc đưa 200 triệu đồng cho Thái Hữu Cam là theo yêu cầu của ông Quý, ông Nghĩa để đầu tư vào dự án và vào ngày 20/6/2010 bà đến nhà đưa cho Thái Hữu Cam 50 triệu đồng, ngày 03/7/2010 đưa tiếp 150 triệu đồng (hai bên có làm biên nhận ghi là để đầu tư trồng cao su). Số tiền 200 triệu này bà đã tính toán với ông Quý và đã xác nhận sẽ có trách nhiệm trả cho bà 200 triệu đồng này (BL 232, 235, 236, 239, 240, 242). Tại phiên tòa phúc thẩm bà Mai vẫn khẳng định việc đưa 200 triệu đồng là theo yêu cầu của ông Quý để đầu tư vào dự án, chứ không phải là khoản tiền đưa cho bị cáo Cam để lo lót xin nhận đất, bà khẳng định bị cáo Cam không chiếm đoạt của bà 200 triệu đồng này.
Lời khai của bị cáo Cam (tại các bút lục 208, 213, 215, 216, 217, 220, 223, 224, 227) thể hiện ông Đậu Xuân Quý dẫn bà Mai đến gặp bị cáo Cam để nhờ xin UBND huyện Bù Đăng giao 50% diện tích đất cao su thì Thái Hữu Cam yêu cầu bà Mai đưa 200 triệu đồng để đi lo lót.
Trong quá trình điều tra lời khai của bị cáo Thái Hữu Cam, người bị hại Phạm Thị Mai, lời khai của ông Đậu Xuân Quý có mâu thuẫn với nhau nhưng CQCSĐT Công an huyện Bù Đăng không tiến hành đối chất để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Lời khai của bị cáo Cam, bà Mai và ông Quý mâu thuẫn nhau về số tiền 200 triệu đồng, do đó cần điều tra làm rõ số tiền 200 triệu đồng này, bị cáo chiếm đoạt của ai? Chiếm đoạt của bà Mai hay của ông Quý?.
- Vụ Lữ Mạnh Hùng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”:
Bản án sơ thẩm số 48/2015/HSST ngày 21/10/2015 của TAND thị xã Phước Long căn cứ vào bản cáo trạng số 17/QĐ-KSĐT-KT ngày 26/02/2015 của VKSND thị xã Phước Long, Tòa cấp sơ thẩm đánh máy nhầm, từ “2014” thành “2015”. Đây chỉ là lỗi kỹ thuật, không làm thay đổi bản chất vụ án, chỉ cần đính chính, Tòa cấp phúc thẩm nhận định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là không chính xác. Tuy nhiên khi kiểm sát bản án, VKSND thị xã Phước Long không phát hiện để kịp thời đề nghị Tòa đính chính.
Ngân hàng Sacombank giải ngân số tiền 5,4 tỷ đồng cho bà Phí Thị Thanh vào thời điểm nào? VKSND thị xã Phước Phước Long đã không yêu cầu cơ quan điều tra lấy lời khai bà Phí Thị Thanh, bị can Lữ Mạnh Hùng, xác minh tại ngân hàng Sacombank (chứng từ) các thời điểm giải ngân số tiền 5,4 tỷ đồng mà bà Thanh vay của ngân hàng Sacombank; thời điểm bắt đầu, số lần, nội dung, số điện thoại mà bị can Hùng sử dụng gọi để hù dọa buộc bà Thanh phải đưa tiền hoa hồng? Có ai biết việc này không? Lý do tại sao khi nghe điện thoại của bị can Hùng gọi đến, bà Thanh phải mở loa ngoài? Bà Thanh sử dụng điện thoại loại gì? đặc điểm, màu sắc…điện thoại bị hỏng lúc nào? Lý do hỏng? Có ai biết việc này không?
Xác minh làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của những người làm chứng: Các cuộc nói chuyện điện thoại giữa bị cáo Hùng và bà Thanh có những ai chứng kiến; lấy lời khai người chứng kiến này để làm rõ: Hoàn cảnh, nội dung, thời điểm chứng kiến các cuộc nói chuyện. Cần phải đối chất những chi tiết có mâu thuẫn.
Làm rõ thái độ, tinh thần của bà Thanh khi nghe điện thoại hù dọa của bị can Hùng; tại sao lúc thì bà Thanh khai là không sợ, lúc thì khai là sợ, lý do? Lý do, mục đích tại sao bà Thanh phải đưa tiền cho bị cáo Hùng.
Tiến hành cho những người làm chứng nhận biết giọng nói của bị cáo Hùng qua điện thoại có giống giọng nói của người đàn ông mà những người làm chứng chứng kiến khi nói chuyện qua điện thoại với bà Thanh không?
2.1.6. Vi phạm, thiếu sót về áp dụng pháp luật
- Vụ Nông Đức Sơn cùng đồng phạm phạm tội “Cố ý gây thương tích”:
Hồ sơ vụ án chưa thực hiện việc đối chất giữa bà Tô Thị Liên với ông Lục Văn Sinh, Phan Văn Thình, Nông Thị Thu Hà, An Thị Thu Thanh, Tô Thị Sáu, vì những người này đều khai bà Liên là người khởi xướng đánh ông Thà nhưng bà Liên không thừa nhận. Bản án phúc thẩm số 48/2014/HSPT ngày 21/5/1014 (trước đây đã bị hủy) đã yêu cầu nhưng quá trình điều tra lại chưa tiến hành đối chất, điều tra làm rõ nội dung này.
Chưa đấu tranh làm rõ lời khai của Nông Đức Sơn và Tô Hiến Hoàng lúc khai nhận có bàn bạc đánh ông Thà, bà Liên là người khởi xướng nhưng lại thay đổi lời khai không có việc bàn bạc đánh ông Thà và bà Liên cũng không kêu gọi các bị cáo đánh ông Thà.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo Nông Đức Sơn, Tô Hiền Hoàng, Phan Văn Thình, Tô Thị Sáu, Nông Thị Thu Hà, An Thị Thu Thanh và Lục Văn Sinh trong  quá trình điều tra ban đầu như Bản án phúc thẩm số 25/2016/PTHS ngày 7/4/2016 đã phân tích trích dẫn các bút lục tại hồ sơ vụ án thì bà Tô Thị Liên là người khởi xướng việc đi đánh ông Thà do đó có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Tô Thị Liên.
- Vụ Lê Thị Thủy phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản”:
Đối với hành vi của bị cáo Thủy chiếm đoạt chiếc xe mô tô hiệu Sirius, màu trắng (không nhớ biển kiểm soát) của bà Nga, sau đó chạy sang campuchia cầm để lấy 4.300.000 đồng đánh bài, thì tội phạm đã hoàn thành. Lời khai của Thủy phù hợp với lời khai của chị Nga, nhưng cấp sơ thẩm cho rằng không thu giữ được chiếc xe này, nên không có căn cứ để định giá và không xử lý là bỏ lọt hành vi phạm tội. Do đó, cần tiến hành ghi lời khai của bà Nga về nguồn gốc chiếc xe, có giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh chiếc xe là của bà Nga; ghi lời khai của chủ tiệm cầm đồ bán xe cho bà Nga và những người biết được việc này; giá trị chiếc xe tại thời điểm Thủy chiếm đoạt là bao nhiêu, tập hợp các tài liệu làm căn cứ, cơ sở cho việc định giá tài sản; xác minh nơi Thủy cầm chiếc xe để có biện pháp truy tìm.
Tại phiên tòa, Lê Thị Thủy khai nhận: Đã đưa ra những thông tin gian dối như đi vay tiền, cần tiền để chung trạm... để mượn chiếc xe và ngay sau khi mượn được chiếc xe đã mang đi cầm, lấy tiền đánh bạc. Nhưng trong quá trình điều tra chưa đấu tranh làm rõ ý thức chiếm đoạt chiếc xe của Thủy có từ trước khi lấy chiếc xe mô tô hay sau khi lấy được chiếc xe mô tô? Qua nội dung vụ án và trên cơ sở lời khai của Thủy tại phiên tòa phúc thẩm có nhiều căn cứ để xác định ý thức chiếm đoạt tài sản của Thủy có trước khi lấy được xe mô tô và các thông tin nói với bà Nga đi đòi tiền… là thủ đoạn gian dối có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qui định tại Điều 139 BLHS.
- Vụ Lê Minh Thiện phạm tội “Cố ý gây thương tích”:
Trong vụ án còn có Quách Văn Trường và đối tượng tên Quốc là đồng phạm, nhưng các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm tách ra, không điều tra xác minh để xử lý trong cùng vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và để lọt người phạm tội, cụ thể như sau:
Đối với Quách Văn Trường đã có hành vi chuẩn bị hung khí, dẫn đường cho Quốc, Phước lớn và Phước nhỏ vào chém người bị hại Đinh Hồng Tâm. Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, về nhân thân của Trường có ảnh, hợp đồng lao động, sổ hộ khẩu, lý lịch, giấy khám sức khỏe.
Đối với tên Quốc đã thực hiện hành vi lấy hung khí và chở Phước lớn, Phước nhỏ vào khu vực đánh nhau. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thiện khai vào cuối năm 2015, Thiện cùng Quốc bị Công an tỉnh Bình Phước xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đây là tình tiết mới cần xem xét để xác minh nhân thân của tên Quốc.
Khi xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên (KSV) và Hội đồng xét xử đã sai sót trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đình Khánh. Bị cáo Khánh tham gia trong vụ án với vai trò là người chủ mưu (là người khởi xướng, rủ rê), thuộc một trong những trường hợp không cho hưởng án treo theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, nhưng KSV đề nghị và Tòa án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng Điều 60 BLHS cho bị cáo Khánh được hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật.
- Vụ Nguyễn Ngọc Long phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”:
Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Ngọc Long là một chuỗi hành vi dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, liên tục đe dọa tinh thần của người bị hại làm người bị hại bị uy hiếp tinh thần, rơi vào tình trạng không thể chống cự được, buộc người bị hại phải viết giấy tường trình và giao tài sản cho bị cáo là có dấu hiệu của tội Cướp tài sản quy định tại Điều 133 của BLHS.
2.2. Đối với những vụ án bị Tòa án sửa án hoặc bị Viện kiểm sát kiến nghị
Qua nghiên cứu Bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị, Phòng 7 VKSND tỉnh Bình Phước tổng hợp một số vi phạm của Tòa án, VKSND cấp huyện chưa đến mức phải hủy án mà chỉ sửa án hoặc kiến nghị như sau:
2.2.1. Vi phạm trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực:
- Vụ án Lê Doãn Cường phạm tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”
Tại Bản án sơ thẩm hình sự số 30/2016/HSST ngày 8/7/2016, Hội đồng xét xử TAND huyện Đồng Phú quyết định tuyên bố bị cáo Lê Doãn Cường phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Áp dụng Khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015; Điểm p Khoản 1, 2 Điều 46, Điều 33 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, xử phạt Lê Doãn Cường 02 (hai) năm tù.
Áp dụng Khoản 5 Điều 249 BLHS năm 2015 xử phạt bổ sung bị cáo Lê Doãn Cường 5.000.000 đồng.
- Vụ án Hoàng Trung Thiên phạm tội: “Cố ý gây thương tích”
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2016/HSST ngày 24/5/2016 của Hội đồng xét xử TAND thị xã Đồng Xoài tuyên bố bị cáo Hoàng Trung Thiên phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng Khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015; Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74; Điều 47; Điều 45; Điều 33 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Hoàng Trung Thiên 02 (hai) năm tù.
- Vụ án Nguyễn Minh Đức cùng đồng phạm phạm tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.”
Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2016/HSST ngày 23/11/2016  của TAND thị xã Bình Long tuyên bị cáo Nguyễn Sĩ Thanh, Nguyễn Xuân Thanh, Phạm Minh Hải phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Áp dụng Điểm n Khoản 2 Điều 249 BLHS năm 2015 đối với Nguyễn Xuân Thanh; Áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015 đối với Nguyễn Sĩ Thanh và Phạm Minh Hải để xét xử các bị cáo.
Lưu ý: Để khắc phục vi phạm này, yêu cầu VKSND cấp huyện nghiên cứu, áp dụng Công văn số 5003/VKSTC-V14 ngày 02/12/2016 của VKSND tối cao.
2.2.2. Vi phạm trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự
- Vụ Hồ Thanh Phương phạm tội “Đánh bạc”:
Bản án hình sự sơ thẩm số 24/2016/HSST ngày 08/4/2016 của Hội đồng xét xử TAND huyện Bù Đăng đã quyết định tuyên bố bị cáo Hồ Thanh Phương phạm tội: “Đánh bạc”.
Áp dụng Khoản 1 Điều 248; Điểm p Khoản 1, 2 Điều 46; Điều 31 của BLHS, xử phạt bị cáo Hồ Thanh Phương 12 tháng cải tạo không giam giữ.
VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm để áp dụng Khoản 5 Điều 60 BLHS tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Hồ Thanh Phương về tội “Đánh bạc”.
Mặc dù tổng số tiền bị cáo Phương dùng vào việc đánh bạc là 770.000 đồng, nhưng vì bị cáo có tiền án về tội đánh bạc chưa được xóa án tích nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự. Hội đồng xét xử TAND huyện Bù Đăng đã áp dụng Khoản 1 Điều 248 BLHS để xử phạt bị cáo về tội “Đánh bạc” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Mặt khác, tại Bản án sơ thẩm số 67/2014/HSST ngày 07/7/2014 TAND huyện Bù Gia Mập xử phạt bị cáo Hồ Thanh Phương 12 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án về tội “Đánh bạc”.
Như vậy bị cáo Hồ Thanh Phương phạm tội mới trong thời gian thử thách của bản án trên. Việc TAND huyện Bù Đăng không áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 60 BLHS để tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Hồ Thanh Phương là áp dụng không đúng pháp luật.
- Vụ Nguyễn Bá Ngọc phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”:
Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2016/HSST ngày 01/6/2016 của Hội đồng xét xử TAND huyện Bù Gia Mập đã quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Bá Ngọc phạm tội: “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Áp dụng Khoản 1 Điều 194; Khoản 2 Điều 46 BLHS; Điều 196; Điều 228 BLTTHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Bá Ngọc 03 (ba) năm tù tính từ ngày 12/11/2015.
Ngày 27/6/2016 VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm để áp dụng Điểm b Khoản 2 Điều 194 BLHS và tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Bá Ngọc về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Hội đồng xét xử TAND huyện Bù Gia Mập nhận định, đối với lần phạm tội ngày 11/11/2015 của bị cáo Nguyễn Bá Ngọc, do không thu giữ được vật chứng là 01 tép ma túy đá, nên không có cơ sở để xác định bị cáo Ngọc có mua bán trái phép chất ma túy. Do đó lần phạm tội này không có cơ sở để xử lý bị cáo Ngọc. Từ nhận định này, TAND huyện Bù Gia Mập áp dụng Khoản 1 Điểu 194 BLHS, xử phạt bị cáo Ngọc 03 (ba) năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” chỉ đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bị cáo Ngọc ngày 12/11/2015.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP  ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999; Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP  ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP  ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì:
- Tội “Mua bán trái phép chất ma túy” không quy định trọng lượng chất ma túy khởi điểm;
- Chất ma túy khác ở thể rắn (trong vụ án này là ma túy đá) không thuộc các trường hợp phải giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy;
- Trường hợp không thu giữ vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh và điều khoản tương ứng.
Với các nội dung hướng dẫn này, có thể khẳng định rằng mọi hành vi mua bán trái phép chất ma túy (bất kể trọng lượng là bao nhiêu), có thu giữ được vật chứng là chất ma túy hay không (trừ trường hợp lừa đảo), đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 194 BLHS. Còn trọng lượng ma túy thu giữ được hoặc không thu giữ được nhưng có căn cứ xác định trọng lượng chất ma túy mà người phạm tội mua bán, chỉ làm cơ sở để định khung hình phạt. Do đó, hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bị cáo Ngọc ngày 11/11/2015 cho Long và Phước là một tép ma túy (ma túy đá) với số tiền 480.000 đồng, vì không xác định được trọng lượng cụ thể (nhưng trọng lượng không lớn) nên hành vi phạm tội lần này của bị cáo Ngọc đã cấu thành tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bị cáo Ngọc 12/11/2015 cho Long và Phước với trọng lượng là: 0,0966 gam chất Methamphetamine (ma túy đá) bị bắt quả tang, cũng đã cấu thành tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại Khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, bị cáo Ngọc đã hai lần bán ma túy cho Long và Phước, mà mỗi lần bán ma túy đều đã cấu thành tội phạm “mua bán trái phép chất ma túy” theo Khoản 1 Điều 194 BLHS. Vì vậy, VKSND huyện Bù Gia Mập đã truy tố bị cáo Ngọc về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điểm b Khoản 2 Điều 194 BLHS (phạm tội nhiều lần) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, VKSND huyện Bù Gia Mập đã không kháng nghị phúc thẩm là thiếu sót nghiêm trọng.       
2.3. Đối với Án bị Tòa tuyên không phạm tội
Tại Bản án sơ thẩm số: 43/2016/HSST ngày 27/9/2016 Hội đồng xét xử TAND huyện Bù Gia Mập tuyên bố bị cáo Nguyễn Thành Long không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngày 07/10/2016 VKSND huyện Bù Gia Mập ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án nêu trên, đề nghị TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy Bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Thành Long phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 1 Điều 281 BLHS.
Trước khi xét xử sơ thẩm, Lãnh đạo liên ngành tố tụng tỉnh phối hợp với Ban Nội chính tỉnh ủy họp cho đường lối xử lý vụ án. Trên cơ sở chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, VKSND Bù Gia Mập truy tố bị can Nguyễn Thành Long về tội danh và khung hình phạt nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
III. NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM KHẮC PHỤC VI PHẠM, THIẾU SÓT
3.1. Nguyên nhân dẫn đến việc Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội hoặc hủy để điều tra, xét xử lại:
3.1.1. Nguyên nhân khách quan
- Tính chất, thủ đoạn tội phạm ngày một tinh vi, nhiều bị cáo tham gia, xảy ra trên nhiều địa bàn gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Một số đối tượng lợi dụng mối quan hệ tranh chấp dân sự để thực hiện việc gian dối, chiếm đoạt; việc định giá tài sản, giám định tư pháp chưa đồng bộ, thiếu kịp thời.
- Quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự có những vấn đề còn bất cập so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời, công tác hướng dẫn, giải thích luật thực hiện chưa thường xuyên và đồng bộ dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.
- Lực lượng Điều tra viên (ĐTV), KSV, Thẩm phán (TP) còn thiếu, chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu.
3.1.2. Nguyên nhân chủ quan
- Do năng lực, trình độ của ĐTV, KSV, TP còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có những trường hợp KSV chưa nắm vững các quy định pháp luật về hình sự và các quy định có liên quan dẫn đến việc phê chuẩn các quyết định tố tụng không chính xác; không bám sát tiến độ điều tra vụ án; yêu cầu điều tra mang tính đối phó, chưa đúng trọng tâm, sát thực tế và kịp thời.
- Ý thức trách nhiệm của một số Cán bộ, KSV chưa cao, chưa chịu khó nghiên cứu, còn chủ quan, không xem xét nghiên cứu toàn bộ vụ án chỉ quan tâm đến chứng cứ buộc tội thỏa mãn với lời khai nhận tội của bị can, không xem xét đến các mâu thuẫn, chứng cứ gỡ tội, so sánh với các nguồn chứng cứ khác.
- Trách nhiệm của KSV được phân công kiểm sát điều tra chưa làm hết trách nhiệm, có những vụ cần cương quyết không phê chuẩn mà xem xét xử lý bằng biện pháp khác hoặc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật khác. KSV không thực hiện đầy đủ các quy định của BLTTHS và quy chế ngành, chưa gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chưa chặt chẽ hoạt động điều tra của ĐTV nên việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, kê biên, định giá… còn sơ sài, thiếu khách quan; KSV không phát hiện để đề ra yêu cầu điều tra kịp thời, nhằm khắc phục những thiếu sót kịp thời nên vẫn truy tố, xét xử sau đó bị hủy án để điều tra lại, xét xử lại.
- Lãnh đạo một số đơn vị VKSND cấp huyện cũng chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đối chiếu nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghe báo cáo nhưng không kỹ, không sâu, thiếu thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ, xem xét tội danh dẫn đến sai sót phải đình chỉ vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc hủy án điều tra lại, xét xử lại.
- Mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhiều khi chưa chặt chẽ, nhất là các vụ án phức tạp. Một số vụ án Cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng không thông báo cho Viện kiểm sát biết để thực hiện việc kiểm sát, ngược lại KSV không chủ động nắm tiến độ điều tra. Viện kiểm sát cấp dưới chưa chủ động thỉnh thị, tranh thủ ý kiến của các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh đối với những vụ phức tạp trước lúc phê chuẩn hoặc truy tố dẫn đến oan, sai, án bị hủy để diều tra, xét xử lại.
3.2. Giải pháp khắc phục
Một là, Không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho Kiểm sát viên:
- Nắm vững và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; Phải nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, BLHS, BTTHS, Quy chế của Ngành… Nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thực hiện công tác.
- Giáo dục ý thức trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Tiếp tục triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV: “Vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát vững về chuyên môn, những chuyên gia giỏi theo từng lĩnh vực, bố trí phân công công việc phù hợp, những KSV giỏi có kinh nghiệm để giải quyết những vụ việc phức tạp.
Hai là, Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra:
- KSV được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, kiểm sát chặt chẽ từ khi tin báo tội phạm, xem xét việc phê chuẩn và chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, đánh giá xem xét các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và thủ tục tố tụng của vụ án. Khi cần thiết tự mình hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra hỏi cung để đánh giá đầy đủ tính chất mức độ phạm tội của từng bị can trong vụ án. Kịp thời lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi liên quan, xem xét dấu vết hiện trường vụ án, vật chứng có phù hợp với thực tế khách quan.
- Trước khi kết thúc điều tra KSV chủ động phối hợp với ĐTV đánh giá lại toàn bộ chứng cứ và thủ tục tố tụng, phát hiện những sai sót để bổ sung, hoàn chỉnh.
- Sau khi kết thúc điều tra KSV tiếp tục nghiên cứu hồ sơ phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án, thực hiện việc phúc cung tổng hợp đối với từng bị can, nhất là các bị can phạm tội nghiêm trọng, phức tạp, chối tội, phản cung hoặc có mâu thuẫn giữa chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ đó đề xuất hướng xử lý vụ án, bị can có căn cứ thận trọng.
Ba là, Nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự:
- KSV khi tham gia phiên tòa phải chuẩn bị đề cương xét hỏi, đề cương kiểm sát xét xử, dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa. KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV phải nghiên cứu đầy đủ các lời khai, bản cung của bị can, của những NTGTT khác, biên bản đối chất, nhận dạng và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
- Xây dựng đề cương kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX  và những NTGTT khác tại phiên tòa một cách có trình tự, logic theo đúng quy định BLTTHS.
- KSV phải dự kiến trước những vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những NTGTT khác đưa ra trong phiên toà. Thường đó là những vấn đề về đánh giá chứng cứ, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại do tội phạm gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, nhân thân bị cáo, những điểm mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án, vai trò của bị cáo trong đồng phạm…
- Tại phiên tòa, KSV phải tập trung chú ý theo dõi, lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến cơ bản, ý chính của bị cáo, người bào chữa và những NTGTT, hệ thống các nội dung chính cần đối đáp lại; từ đó phải kịp thời bổ sung những căn cứ pháp lý, những tài liệu, chứng cứ cần phân tích, đánh giá, sử dụng để tranh luận, đối đáp không trùng lắp, đầy đủ, ngắn gọn và chặt chẽ mang tính thuyết phục để bảo vệ quan điểm của VKS.
- KSV phải tự rèn luyện kỹ năng tranh luận, đối đáp thông qua việc tự đào tạo, rèn luyện kỹ năng hùng biện mang tính thuyết phục, rèn luyện tác phong tự tin, trình bày mạch lạc, lưu loát, thái độ bình tĩnh, đúng mực, tôn trọng người đối đáp, tranh luận, ứng xử có văn hóa tại phiên tòa.
- KSV thực hành quyền công tố và Kiểm sát viên xét xử tại phiên tòa nắm vững hồ sơ vụ án, những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phải linh hoạt, nhạy bén ứng phó, đánh giá các tình tiết khách quan toàn diện để có quan điểm phù hợp pháp luật, tránh tình trạng cấp trên hủy án do việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ lọt tội phạm, vi phạm tố tụng hoặc khác tội danh.
Bốn là, Tăng cường công tác phối hợp liên ngành:
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của BLTTHS; Thông tư: 05/2005/TTLT VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003; Quy chế phối hợp đã ký kết giữa CQĐT-VKS-TA đảm bảo nguyên tắc phối kết hợp và chế ước trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của ngành theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra tiếp, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau vế áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì ĐTV, KSV, TP cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của Lãnh đạo liên ngành tư pháp cùng cấp để thống nhất giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì xin ý kiến chỉ đạo liên ngành tố tụng cấp trên.
Năm là, Công tác chỉ đạo, điều hành:
- Lãnh đạo VKSND hai cấp phải sâu sát, chỉ đạo kịp thời nhất là những vụ án phức tạp, tùy theo tính chất của từng vụ án để phân công KSV cho phù hợp, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời.
- Các Cơ quan tố tụng cấp trên thường xuyên kiểm tra, uốn nắn chấn chỉnh kịp thời, tăng cường việc hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cấp dưới.
- Kiện toàn bổ sung số lượng ĐTV, KSV, TP; Xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Sáu là, Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với KSV, Lãnh đạo VKSND cấp huyện đã để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Thực hiện nghiêm Quy định về xử lý kỷ luật trong Ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKSTC-T1 ngày 04/4/2106 của Viện trưởng VKSND tối cao); cương quyết điều chuyển và không tái bổ nhiểm đối với lãnh đạo, KSV để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội.
Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, nhằm hạn chế tình trạng án hình sự bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại; án bị Tòa án tuyên không phạm tội và các vi phạm, thiếu sót, VKSND tỉnh Bình Phước yêu cầu các VKSND cấp huyện trong tỉnh nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm cá nhân và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Đặc biệt là không để xảy ra những vi phạm, thiếu sót tương tự trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Lê Xuân - Hà Hiến

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
Hoàng Kim Panelbanner kiemsat2vks1
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay16,302
  • Tháng hiện tại20,227
  • Tổng lượt truy cập14,059,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây