Sinh hoạt chuyên đề - góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng công tác đơn vị

Thứ năm - 19/05/2022 04:49 45.195 0

QT

QT
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư TW Đảng khoá X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước; Hướng dẫn số 30-HD/ĐUK ngày 07/11/2018 của Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh Bình Phước (nay là Hướng dẫn số 02-HD/ĐUK ngày 15/02/2022 của Đảng uỷ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Bình Phước) về nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, định hướng sinh hoạt chuyên đề của từng loại hình chi bộ, với nội dung yêu cầu đặt ra khi sinh hoạt chi bộ: Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, Bí thư cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ thực tiễn việc sinh hoạt chuyên đề tại Chi bộ 1 trực thuộc Đảng bộ cơ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, chúng tôi nhận thấy: Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó, sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính giáo dục và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Vì thế, những năm gần đây Chi bộ 1 chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ và đặc biệt là sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với nhiệm vụ nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực cho đội ngũ công chức là đảng viên của đơn vị bằng việc lựa chọn một trong chín nội dung cần sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn 30-HD/ĐUK (nay là Hướng dẫn số 02-HD/ĐUK), là những vấn đề về chuyên môn còn hạn chế, yếu kém để nghiên cứu chuyên đề tìm hiểu lại các quy định của pháp luật, các quy định, kỹ năng nghiệp vụ, tìm ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp để tổ chức tháo gỡ, khắc phục.
Nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ được lựa chọn phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị. Cụ thể: Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm Chi bộ 1 luôn tổ chức nghiên cứu, xây dựng và sinh hoạt 04 chuyền đề cho 04 quý. Một số chuyên đề điển hình phục vụ nâng cao chất lượng công tác như: “Một số giải pháp hạn chế án trả hồ sơ ĐTBS giữa các cơ quan THTT tại Phòng 1”; “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỏi cung bị can của Kiểm sát viên”; “Nâng cao chất lượng tham mưu ban hành văn bản trả lời thỉnh thị, kiến nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng”; “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự”; “Nâng cáo chất lượng đề ra bản yêu cầu điều tra”; “Tự phê bình và phê bình tại Chi bộ 1”;  …
Tại các buổi xây dựng đề cương, xây dựng nội dung, buổi sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên phải tham gia thảo luận và đóng góp những ý kiến bổ ích, thiết thực thể hiện trách nhiệm, quyết tâm thực hiện tốt nội dung chuyên đề. Các bước của buổi sinh hoạt chuyên đề được chi bộ thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo đúng tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Hướng dẫn số 30-HD/ĐUK (nay là Hướng dẫn số 02-HD/ĐUK).
Để buổi sinh hoạt chuyên đề đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực đối với các đảng viên, ngay từ đầu năm Chi bộ 1 đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên cụ thể cho từng quý, phân công cụ thể từng đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị đề cương, nội dung chuyên đề, quy định cụ thể tháng thứ nhất của quý góp ý đề cương chuyên đề mà đảng viên được phân công đã chuẩn bị; tháng thứ 2 góp ý vào dự thảo chuyên đề mà đảng viên được phân công xây dựng dựa trên đề cương đã được góp ý thông qua từ tháng trước và tổ chức hoàn thiện chuyên đề, kết luận triển khai thực hiện, trường hợp cần thiết thì ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tháng thứ 3 của quý, đáng giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện chuyên đề và định hướng tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp với những chuyên đề cần phải thực hiện trong thời gian dài.
Đến nay, việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề đã trở thành nền nếp, nội dung và cách thức tổ chức buổi sinh hoạt được thực hiện một cách bài bản có khoa học, phù hợp với chuyên môn.
Thông qua sinh hoạt chuyên đề giúp cho đảng viên nhìn nhận, đánh giá được công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, cấp ủy đối với hoạt động của đơn vị; đồng thời, đánh giá được việc chọn chuyên đề sinh hoạt hàng quý phải sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện cho phù hợp đối với từng đảng viên, tránh hình thức, xa rời thực tiễn, phù hợp để bồi dưỡng ngay chính cho công chức đảng viên. Qua sinh hoạt các chuyên đề đã đưa ra được rất nhiều nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để làm tốt hơn các nội dung của chuyên đề, giúp ích rất nhiều cho việc cập nhập kiến thức, thúc đẩy việc tự học, tự đào tạo của công chức, Kiểm sát viên là đảng viên trong Chi bộ 1.
Qua thực tế nhận thấy công tác chuẩn bị, xây dựng và triển khai chuyên đề, thì người thu được nhiều lượng kiến thức, kết quả nhất chính là người trực tiếp nghiên cứu, xây dựng chuyên đề và người kiểm duyệt nội dung, còn người nghe thì lượng kiến thức tiếp nhận thường không nhiều, nghe xong rồi quên. Cho nên việc phân công đảng viên xây dựng chuyên đề và lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề là vô cùng quan trọng. Chúng tôi có làm khác Hướng dẫn một chút đó là thay vì cử đảng viên có năng lực để chuẩn bị chuyên đề, thì chọn ngay công chức là đảng viên còn hạn chế ở lĩnh vực nào (như yếu kém về tranh tụng, yếu về đề ra yêu cầu điều tra, yếu về hỏi cung, về tổng hợp vi phạm để tham mưu kiến nghị, để trả điều tra bổ sung, … ) thì giao ngay cho đảng viên đó phải nghiên cứu xây dựng chuyên đề để tự đưa giải pháp thực hiện tốt ngay nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của chuyên đề, thì việc xây dựng chuyên đề phải được đề ra kế hoạch từ đầu năm, phân công đảng viên chuẩn bị từ trước đề cương và phải cử đảng viên có chuyên môn cao về nội dung của chuyên đề đó hoặc trực tiếp đồng chí Bí thư chi bộ phải kiểm duyệt dự thảo đề cương và chỉnh sửa, định hướng xây dựng đề cương, xây dựng nội dung chuyên đề, chỉ ra cách nghiên cứu, tiếp cận vấn đề, rồi đưa ra tập thể chi bộ thảo luận, đóng góp, nhằm bảo đảm nội dung chuyên đề khi xây dựng phải có chất lượng tốt.
Với cách làm như vậy, việc sinh hoạt chuyên đề sẽ hiệu quả, thành công, phát huy được tinh thần trách nhiệm, ý thức vì tập thể của mỗi đảng viên; phát huy triệt để nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng, hợp tác, thể hiện được tính đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp, đã nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đảng viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, góp phần quan trọng vào những sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên, khắc phục được các tồn tại hạn chế đem lại kết quả tốt hơn trong thời gian qua của đơn vị Phòng 1.
 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc sinh hoạt chuyên đề còn một số mặt hạn chế như việc chuẩn bị nội dung chuyên đề của một số đảng viên chưa kỹ, các đảng viên không được phân công thì thường không nghiên cứu về nội dung chuyên đề để góp ý nên trong sinh hoạt một số đảng viên thảo luận chuyên đề còn chưa thật sôi nổi, số ý kiến tham gia của đảng viên chưa đồng đều, còn thụ động phải chỉ định mới phát biểu, chủ yếu tập trung ở người được phân công xây dựng chuyên đề và đồng chí Bí thư.
Qua những nội dung đã làm được trong thời gian qua, những hạn chế trong sinh hoạt chuyên đề, để nâng cao hiệu quả trong sinh hoạt chuyên đề tôi xin đề xuất một số nội dung chuẩn bị tốt hơn việc sinh hoạt chuyên đề như sau:
Một là, xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Theo quy định thì ít nhất mỗi quý sinh hoạt chuyên đề một lần vào một buổi riêng. Nhưng do đặc thù công việc chuyên môn của các đơn vị trong Đảng bộ Viện KSND tỉnh rất bận, khó tập trung đủ số đảng viên để họp sinh hoạt, nên theo chúng tôi mỗi tháng trước hoặc sau buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề để chuẩn bị các bước từ góp ý đề cương, góp ý nội dung chuyên đề, triển khai thực hiện và đánh giá trong 03 tháng của quý vừa đạt hiệu quả và phù hợp thực tế, nhưng phải bảo đảm thời gian sinh hoạt chi bộ ít nhất từ 90 phút trở lên, thời gian sinh hoạt chuyên đề ít nhất từ 30 phút trở lên. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề phải từ đầu năm, để phân công, định hướng và có thời gian cho các đảng viên chuẩn bị.
Hai là, việc chuẩn bị, lựa chọn chuyên đề: Việc chọn chuyên đề cần dựa trên những tồn tại, hạn chế ngay của từng đảng viên trên cơ sở yêu cầu công việc của đơn vị nghiệp vụ để từ đó giao cho họ việc xây dựng chuyên đề đó, để họ tự nghiên cứu, tự học, tự tìm hiểu, tự nhận biết ra tồn tại hạn chế của mình là từ nguyên nhân gì và cần đưa ra giải pháp gì để khắc phục. Chi bộ thảo luận thông qua đề cương, họp bàn thống nhất nội dung sinh hoạt chuyên đề cụ thể cho phù hợp. Đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chuyên đề phải nghiên cứu kỹ, xây dựng đề cương chi tiết, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan một cách đầy đủ nhất để  xây dựng tham luận, chuẩn bị thảo luận trong buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.
Ba là, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Theo kế hoạch sinh hoạt chuyên đề cụ thể từng tháng của quý, đảng viên được phân công phải chuẩn bị đề cương, nội dung, Bí thư phải kiểm duyệt và cung cấp bản dự thảo cho các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu trước, chủ động chuẩn bị để tham gia đóng góp ý kiến trong cuộc họp. Trong sinh hoạt chuyên đề, người được phân công chuẩn bị trình bày báo cáo trước chi bộ, sau đó thảo luận; các đảng viên trong chi bộ cùng tham gia góp ý, xây dựng, đề xuất giải pháp và kết luận buổi sinh hoạt. Tổ chức như vậy, đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung sẽ nâng cao trình độ và khả năng diễn thuyết. Việc chủ động tìm đọc các tài liệu liên quan, chuẩn bị nội dung của từng đảng viên và tham gia thảo luận sẽ hình thành nhận thức mới cho đảng viên, góp phần nâng cao trình độ của đảng viên và tính hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ.
 Bốn là, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề: Việc phổ biến, quán triệt chỉ bằng lời nói trong suốt một buổi sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây nên sự khô khan, đơn điệu cho đảng viên khi dự sinh hoạt chi bộ. Cần áp dụng công nghệ để phục vụ, hỗ trợ đắc lực cho việc truyền đạt của người thuyết trình như: Hệ thống máy chiếu, các phần mềm trình chiếu,... làm tăng sự sinh động, hấp dẫn cho bản dự thảo, thu hút sự tập trung cao độ của đảng viên và quan trọng hơn là nâng cao kiến  cơ bản thức về tin học cho ngay các đảng viên (định hướng trong thời gian tới Chi bộ 1 sẽ bắt buộc các đảng viên phải thực hiện).
Năm là, sau buổi sinh hoạt chuyên đề: Đảng viên được phân công chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên, hoàn chỉnh chuyên đề. Chi bộ họp rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để buổi sau tổ chức được tốt hơn; đồng thời tham gia để hoàn chỉnh chuyên đề, thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, có thể rút ra nghị quyết hoặc kết luận chuyên đề của chi bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Sáu là, kịp thời biểu dương và thẳng thắn phê bình: Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí chủ trì cuộc họp cần nhận xét, đánh giá chi tiết, cụ thể những ưu, khuyết điểm của đảng viên được phân công chuẩn bị dự thảo chuyên đề. Với những mặt tích cực mà đảng viên làm được, chi bộ cần có các hình thức biểu dương, khen thưởng trước chi bộ. Đây là một cách nêu gương vừa thể hiện sự ghi nhận, động viên của chi bộ, vừa tạo động lực cho các đảng viên khác nỗ lực thi đua, sáng tạo, tâm huyết với những nhiệm vụ mà ban chi ủy giao cho. Bên cạnh đó, đồng chí chủ trì cần thẳng thắn, nghiêm túc nhắc nhở, phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ trước chi bộ đối với những đảng viên chưa thật sự nỗ lực, cố gắng, dự thảo đề dẫn chuyên đề sơ sài, đơn điệu, chỉ mang tính đối phó.
Như vậy, để việc sinh hoạt chuyên đề mang lại hiệu qủa cao thì cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi chi bộ. Chi ủy, Bí thư chi bộ phải định hướng chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt; chọn những việc cụ thể, thiết thực, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ để thảo luận, bàn biện pháp chỉ đạo. Tùy theo kết quả của sinh hoạt chuyên đề, chi bộ có thể ra nghị quyết, kết luận chuyên đề để tổ chức thực hiện; hoặc nếu trong sinh hoạt chuyên đề còn nhiều vấn đề phải cân nhắc, chưa thể kết luận thì người chủ trì sinh hoạt chuyên đề nên gợi mở một số vấn đề đảng viên tiếp tục nghiên cứu. Cấp ủy cấp trên trực tiếp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sinh hoạt chuyên đề ở cơ sở. Quan tâm, chú trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay.
Trên đây là nội dung kết quả, bài học kinh nghiệm và những giải pháp để năng cao chất lượng hiệu qủa của việc sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ cơ sở được đúc rút, tổng kết từ thực tiễn sinh hoạt chuyên đề tại Chi bộ 1 trực thuộc Đảng bộ cơ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước trong thời gian quan.

Tác giả bài viết: Phạm Xuân Minh- Bí thư Chi bộ 1

Nguồn tin: Viện KSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây