TĂNG THẨM QUYỀN VÀ CHẾ TÀI CỦA UỶ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

Thứ hai - 17/07/2017 22:08 3.678 0
Thực tế đã khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không chỉ là những chức năng lãnh đạo của Đảng mà còn là công cụ đắc lực góp phần quan trọng, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng vẫn còn có nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp chưa được tăng cường toàn diện, triệt để; những quyền hạn hiện có khó thực hiện trong thực tế do vị thế của UBKT, cán bộ kiểm tra, giám sát nhiều khi thấp hơn đối tượng kiểm tra, giám sát; nhiều lúc bị ràng buộc, chi phối bởi đối tượng kiểm tra, giám sát, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Việc chỉ đạo đi sâu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cả ở tầm vĩ mô và vi mô để kịp thời đề xuất với Trung ương, các cấp uỷ bổ sung, sửa đổi những chính sách, quy định không còn phù hợp và có biện pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn thiếu kịp thời, đồng bộ.

Nghị quyết lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đã yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải: “Nghiên cứu việc tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của UBKT các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên”.

Thực tế hiện nay, nổi lên các vấn đề sau:

1. Vấn đề tăng thẩm quyền quyết định cho UBKT: Việc đề nghị tăng thẩm quyền: “Quyết định tạm đình chỉ các chức vụ trong Đảng, đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên cấp dưới” nhằm: Giúp UBKT thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi, nhanh chóng hơn, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra. Trong nhiều trường hợp còn ngăn chặn đảng viên có hành động ngăn cản, đối phó với UBKT trong quá trình tiến hành kiểm tra; góp phần cải cách thủ tục hành chính; giúp cấp uỷ có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đảng bộ.

Việc đề nghị tăng thẩm quyền: “Quyết định thu hồi, huỷ bỏ quyết định của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trái quy định của Đảng và của cấp uỷ cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng” xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng thời gian qua của UBKT các cấp cho thấy, có nhiều trường hợp thấy cấp uỷ, UBKT cấp dưới ban hành các quyết định trái với quy định của Đảng, của cấp uỷ cấp trên nhưng không có quyền thu hồi, huỷ bỏ nên không kịp thời ngăn chặn quyết định hoặc việc làm sai trái của tổ chức đảng cấp dưới đang xảy ra, để ngăn chặn kịp thời hậu quả xảy ra, thậm chí đã gây hậu quả cho tổ chức, cá nhân đảng viên, vì phải báo cáo xin ý kiến quyết định của cấp uỷ.

Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của UBKT sẽ bớt thủ tục hành chính, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Góp phần cải tiến lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ và UBKT cấp dưới khi ban hành các quyết định của mình. Việc tăng các thẩm quyền quyết định trên bảo đảm tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm của UBKT các cấp; tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; tránh nể nang, né tránh, ngại va chạm khi kiểm tra cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý, nhất là trong điều kiện tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực như hiện nay; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBKT các cấp.

2- Vấn đề tăng thẩm quyền chỉ đạo của UBKT: Việc đề nghị tăng thẩm quyền cho: “UBKT cấp trên có quyền chỉ đạo cấp uỷ, UBKT cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng” nhằm: Khắc phục tình trạng cấp uỷ cấp dưới “khoán trắng” nhiệm vụ kiểm tra cho UBKT các cấp; ngăn ngừa cấp uỷ cấp dưới can thiệp quá sâu vào việc thực hiện nhiệm vụ của UBKT cấp mình hoặc bao che cho vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên thuộc quyền cấp uỷ cấp dưới quản lý. Giúp cấp uỷ cấp dưới thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, nhất là những vụ việc khi chưa có sự thống nhất giữa cấp uỷ và UBKT, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm tra trong hệ thống tổ chức của Đảng. Thực tế thời gian qua, có những vụ việc cấp uỷ cấp dưới thực hiện chưa đúng, hoặc có vướng mắc, UBKT cấp trên đã có văn bản vừa hướng dẫn, vừa chỉ đạo, giúp cấp uỷ cấp dưới tháo gỡ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc thi hành kỷ luật đảng. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng là tăng vị thế và trách nhiệm của UBKT; đồng thời giúp cấp uỷ chỉ đạo cấp uỷ cấp dưới thực hiện tốt hơn việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Việc đề nghị tăng thẩm quyền: “Chỉ đạo cơ quan pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật theo phân cấp quản lý cán bộ và quy định của pháp luật” nhằm: Bảo đảm việc chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc xử lý kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì trong trường hợp người đứng đầu các cơ quan đó là thành viên UBKT (đề nghị bổ sung vào cơ cấu UBKT), khi UBKT họp kết luận vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên phải bị xử lý bằng pháp luật thì UBKT giao đồng chí thành viên UBKT là thủ trưởng cơ quan bảo vệ pháp luật trực tiếp chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử. Các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; UBKT không can thiệp vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Khi các cơ quan bảo vệ pháp luật không có sự thống nhất trong việc xử lý cán bộ, đảng viên, cần có sự tham mưu của UBKT cho cấp uỷ chỉ đạo việc xử lý được kịp thời, đồng bộ.

Ngoài ra, theo Quy chế làm việc của UBKT Trung ương khoá XII, có 3 vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nghiêm kỹ cương, kỷ luật của Đảng, trong đó tăng trách nhiệm, quyền hạn của UBKT Trung ương: “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Đây là bước thể chế hoá Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị, trong đó giao cho UBKT Trung ương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của UBKT đảng các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

3- Vấn đề chế tài của UBKT: Nhìn một cách tổng thể, với vai trò, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát, UBKT các cấp có trách nhiệm lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Trong khi đó, tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên còn xảy ra nghiêm trọng, rất tinh vi, phức tạp nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Chưa có chế tài xem xét trách nhiệm và xử lý tổ chức đảng đã thi hành kỷ luật oan, sai. Quy định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức còn bất cập ngay trong Điều lệ Đảng. Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm hiện hành chưa đầy đủ, chưa bao quát các nội dung vi phạm của đảng viên, làm cho việc áp dụng hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm thiếu thống nhất trong Đảng, cùng một vi phạm, mỗi nơi áp dụng hình thức kỷ luật một khác; việc vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chưa thống nhất ở các tổ chức đảng ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, số lượng đảng viên vi phạm bị phát hiện và xử lý kỷ luật chưa tương xứng với thực tế vi phạm, nhất là vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, mất đoàn kết nội bộ, thiếu trách nhiệm…

Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng bị xử lý kỷ luật chưa “tâm phục, khẩu phục”; khiếu nại kỷ luật đảng tăng, cùng với đó là việc thay đổi hình thức kỷ luật cũng gia tăng. Một số nơi thực hiện việc thi hành kỷ luật chưa đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền; UBKT các cấp phần lớn chưa thực hiện được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cấp uỷ viên cùng cấp, có nơi thực hiện nhưng còn hình thức nên chủ yếu xử lý kỷ luật đối với đảng viên không có chức vụ… đảng viên thường thì bị xử lý nặng, đảng viên có chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì xử lý nhẹ, thậm chí không xử lý làm cho nhiều đảng viên băn khoăn, dư luận bất bình…

Cần có quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các tổ chức đảng có lệch lạc trong thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng khi ra quyết định thi hành kỷ luật, chuẩn y hay thay đổi hình thức kỷ luật. Cần có quy định cụ thể, chế tài mạnh hơn để xử lý kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên có chức vụ, có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý hoặc đã kết thúc xử lý. Quá trình thi hành kỷ luật còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, thi hành kỷ luật không đúng thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục khi thực hiện nhiệm vụ này đối với cán bộ có chức vụ. Liên quan trực tiếp các vấn đề như: Về thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng; nguyên tắc thực hiện; điều chỉnh số tiền để xác định hậu quả vi phạm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ; vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ…

Do đó, việc phân tích, đánh giá, xác định các giải pháp chủ yếu nhằm tăng thẩm quyền và chế tài của UBKT các cấp trong kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật trách nhiệm đối với tổ chức đảng và đảng viên là vấn đề cần thiết, vừa có giá trị thực tiễn vừa có ý nghĩa lý luận trong quá trình lãnh đạo thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng ta./.

Nguồn tin: Trích nguồn từ Tạp chí kiểm tra Trung ương số 4/2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây