Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển năng lực thẩm tra, xác minh bao gồm tư chất, vốn kiến thức, năng lực trí tuệ, tính cách và tính tích cực rèn luyện của cá nhân.
Tư chất cá nhân là những đặc điểm giải phẩu sinh lý của cơ thể bao gồm cả những đặc điểm bẩm sinh di truyền và những đặc điểm tự tạo trong đời sống cá thể. Tư chất cá nhân làm nền tảng cho việc tích luỹ kiến thức, linh hoạt sáng tạo khi vận dụng kiến thức và khả năng tìm hệ thống các thao tác tinh giản, hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ là các thành phần cốt lõi tạo thành năng lực. Nói cách khác, tư chất cá nhân là tiền đề, là cơ sở vật chất cho sự hình thành và phát triển năng lực thẩm tra, xác minh. Việc cải tạo những đặc điểm bẩm sinh di truyền là khó nhưng những đặc điểm tự tạo như phản xạ có điều kiện, động hình thần kinh thì cán bộ kiểm tra hoàn toàn có thể rèn luyện được trong quá trình sống và hoạt động của mình.
Kiến thức của cá nhân giữ vai trò là nguyên liệu của sự hình thành năng lực thẩm tra, xác minh. Trong thẩm tra, xác minh, kiến thức cũng trực tiếp quy định sự thành công hay thất bại và chất lượng cao hay thấp của hoạt động. Vốn kiến thức sâu rộng giúp cán bộ kiểm tra nhạy bén, sắc sảo hơn khi phân tích, đánh giá các sự kiện để tìm ra bản chất vấn đề. Tầm hiểu biết càng rộng thì chủ thể càng có khả năng tiếp cận vấn đề nhanh chóng và chính xác. Ngược lại, nếu thiếu kiến thức thì việc gì cũng trở nên khó khăn. Trong thực tế, một số vụ việc cán bộ kiểm tra xác định tính hợp pháp, hợp lý của chứng cứ không chuẩn xác do không nắm chắc các quy định và thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực xảy ra sự việc kiểm tra. Việc thu thập và sử dụng chứng cứ chứng minh có vi phạm trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, vi phạm pháp luật còn nhiều lúng túng vì nhiều cán bộ kiểm tra không được đào tạo chuyên ngành, không có chuyên môn sâu nên giải quyết vấn đề kém hiệu quả. Các vụ việc kiểm tra diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải được đào tạo ở bậc đại học ít nhất một chuyên ngành và có hiểu biết kiến thức phổ thông ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Việc giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn đa dạng khi xem xét, kết luận về con người và sự việc kiểm tra đòi hỏi những hiểu biết thực tiễn về đời sống xã hội, về cuộc sống thực của con người với tư cách là thành viên của xã hội. Đây là cơ sở để cán bộ kiểm tra nhạy bén, sắc sảo hơn khi phân tích diễn biến và đánh giá động cơ hành động, từ đó đánh giá đúng tính chất, mức độ và nguyên nhân sai phạm của đối tượng kiểm tra. Thiếu vốn sống thực tiễn tất yếu sẽ làm cho suy nghĩ, nhìn nhận con người và sự việc một cách duy lý, cứng nhắc dẫn đến nhận xét, đánh giá chủ quan không “thấu tình đạt lý”. Thực tế giải quyết các vụ việc kiểm tra đã cho thấy, nhờ sự hiểu biết nhiều vấn đề của đời sống thực tiễn nên đa số cán bộ kiểm tra rất sắc sảo khi phân tích mối liên hệ giữa các thông tin để thẩm định, đánh giá chứng cứ. Đứng trước một vấn đề hoặc một tình huống, chính kiến của cán bộ kiểm tra cũng thường dựa trên kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực xảy ra sự việc kiểm tra. Xét về cơ cấu đội ngũ, phần lớn cán bộ kiểm tra được tuyển dụng từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau nên đa số có vấn sống thực tiễn tương đối rộng ở nhiều lĩnh vực và phong phú trong lĩnh vực họ đã công tác.
Ngoài kiến thức và trí tuệ, sự hình thành năng lực còn chịu sự chi phối trực tiếp của nhiều nét tính cách cá nhân như lòng ham học, ham hiểu biết, ý thức trách nhiệm với công việc, hứng thú sáng tạo… Trong thực tế, những cán bộ kiểm tra có ý thức trách nhiệm cao với công việc thường có ý thức tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm công tác, chủ động suy nghĩ tìm phương pháp làm việc hiệu quả, chấp nhận khó khăn và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ kiểm tra còn được biểu hiện ở bản lĩnh khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bản lĩnh chính trị là trình độ giác ngộ chính trị thể hiện ở sự kiên định, vững vàng về lập trường, quan điểm chính trị. Bản lĩnh của cán bộ kiểm tra thể hiện ở tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để làm rõ sự thật, bản chất sự việc bằng các chứng cứ xác đáng. Phong cách làm việc chung của công tác kiểm tra là khách quan, công tâm, thận trọng, chính xác. Trong khi đó, phong cách làm việc linh hoạt, sáng tạo của cá nhân cán bộ kiểm tra là tập hợp những cách thức tiếp nhận và giải quyết vấn đề một cách nhanh nhạy, phù hợp với thực tế, không dập khuôn máy móc theo kinh nghiệm cũ và có khả năng tạo ra cái mới, cách giải quyết mới, không lệ thuộc vào cái có sẵn. Mức độ linh hoạt, sáng tạo thể hiện ở khả năng căn cứ vào hoàn cảnh thực tế để tìm phương án tối ưu giải quyết các tình huống nảy sinh.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự hình thành năng lực thẩm tra, xác minh của cán bộ kiểm tra bao gồm yêu cầu công việc, đặc điểm của nhiệm vụ phải giải quyết và tác động của môi trường sống; trong đó, yếu tố trước tiên cần tính đến là yêu cầu công việc.
Cuối cùng, phải tính đến tác động của môi trường sống. Trong phạm vi hẹp, yếu tố môi trường sống của mỗi cán bộ kiểm tra bao gồm các đồng nghiệp nói chung, những thành viên cùng đoàn kiểm tra nói riêng và sự đánh giá của những người xung quanh. Trong đội ngũ nói chung và đoàn kiểm tra nói riêng, nếu mọi người đều thạo việc (có năng lực) buộc mỗi cán bộ kiểm tra phải cố gắng để hoà nhập với mọi người và khẳng định mình. Ngược lại, nếu đa số không thạo việc thì mỗi cán bộ kiểm tra sẽ dễ dàng tự bằng lòng với những gì mình đã có và ít cố gắng rèn luyện năng lực. Sự đánh giá của những người xung quanh là động lực thúc đẩy quá trình hình thành và rèn luyện năng lực thẩm tra, xác minh của cán bộ kiểm tra. Môi trường cũng tác động đến sự hình thành và phát triển năng lực thẩm tra, xác minh của cán bộ kiểm tra với tác dụng và mức độ khác nhau tuỳ thuộc bản tính và thái độ tiếp nhận của mỗi người.
Giữa các yếu tố khách quan và chủ quan có mối quan hệ biện chứng tương tác lẫn nhau; trong đó, các yếu tố chủ quan là điều kiện bên trong và các yếu tố khách quan là động lực bên ngoài sự hình thành và phát triển năng lực cá nhân. Mỗi yếu tố phát huy tác dụng của mình đồng thời liên kết với các yếu tố khác để phát huy tác dụng tổng hợp. Các yếu tố chủ quan như kiến thức, năng lực trí tuệ, tư chất và tính tích cực của cán bộ kiểm tra quyết định chất lượng, tốc độ hình thành và tốc độ thành thạo của các năng lực thẩm tra, xác minh. Các yếu tố khách quan giữ vai trò là chất xúc tác thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình hình thành năng lực. Coi trọng và phát huy vai trò của yếu tố khách quan và chủ quan là con đường đúng đắn để hình thành và phát triển năng lực thẩm tra, xác minh của cán bộ kiểm tra./.
Nguồn tin: Trích nguồn tạp chí kiểm tra số 2/2017
Ý kiến bạn đọc