Hội Thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý các vụ vi phạm quy định pháp luật bảo vệ động vật hoang dã ở khu vực Tây nguyên”

Thứ sáu - 08/04/2022 04:01 1.391 0

Hội Thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý các vụ vi phạm quy định pháp luật bảo vệ động vật hoang dã ở khu vực Tây nguyên”

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thường trực Ủy Ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Ngày 30/03/2022 Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature – WWF) tổ chức “Hội thảo nâng cao hiệu quả xử lý các vụ vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở khu vực Tây nguyên”. Hội thảo diễn ra trong 01 ngày tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hội thảo được thực hiện với sự tài trợ từ dự án chống buôn bán các loài hoang dã ở Việt Nam và sáng kiến đóng cửa thị trường ngà voi Châu Á của WWF. Mục đích của Hội thảo nhằm: (1) Nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự về tình hình săn bắt, buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã, quý hiếm, nguy cấp. (2) Tăng cường chia sẻ thông tin và thiết lập mạng lưới trao đổi, kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các cơ quan tố tụng; cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm thúc đẩy quá trình xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến động vật hoang dã tại Tây nguyên và tỉnh Bình phước đạt hiệu quả cao nhất. (3) Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc phối hợp xử lý các vụ việc cụ thể về động vật hoang dã tại các tỉnh Tây nguyên. (4) Tham vấn, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các vụ án vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại các tỉnh Tây nguyên và lân cận.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống Covid-19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (online) với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Tổ chức WWF; đại diện lãnh đạo Văn phòng; Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) và một số Vụ nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ đội biên phòng, Cơ quan Hải Quan và Cơ quan kiểm lâm của 5 Tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước tham dự. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của gần 200 Học viên Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát K30, K31 đang học tập tại Trường Nghiệp vụ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng và những yêu cầu đặt ra đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, nguy cấp trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Từ đó, khẳng định tính cấp thiết phải tăng cường các biện pháp và nâng cao hiệu quả xử lý các vụ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; nhất là đối với các tỉnh Tây nguyên của Việt Nam.
Trong khuôn khổ nội dung hợp tác của hai đơn vị đồng chủ trì, Hội thảo được thiết kế với ba phiên làm việc chính gồm: Phiên thứ nhất “Tổng quan và thực trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, qua phần trình bày tham luận của các chuyên gia hàng đầu như: TS. K.Yoganand – Giám đốc Chương trình loài và tội phạm về loài, WWF Khu vực Mekong và bà Đặng Nguyệt Anh, Chuyên gia WWF – Việt Nam đã đánh giá tổng quan về thảm họa tuyệt chủng, tình hình buôn bán động vật hoang dã trong khu vực và trên thế giới và tình hình buôn bán động vật hoang dã tại khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Phiên thứ hai “Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam”. Do các chuyên gia làm công tác thực tiễn như: Ông Tống Ngọc Chung – Trưởng phòng NV III, Chi cục Kiểm lâm vùng IV trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, bắt giữ tội phạm liên quan đến động vật hoang dã của cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là các hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Cũng trong phiên này, TS. Nguyễn Quốc Hân – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước và bà Nguyễn Hoàng Phương – Chuyên gia tư vấn chính sách, pháp luật và môi trường Tổ chức WWF Việt Nam chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý và truy tố tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Nêu lên một số vụ vi phạm pháp luật và khó khăn trong việc tiếp nhận, nuôi dưỡng và bàn giao cho các đơn vị chức năng để thả lại tự nhiên hoặc nuôi dưỡng tại các vườn thú của Nhà nước, điển hình như vụ án thu giữ 18 cá thể hổ ở Nghệ An và những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ. Trên cơ sở đánh giá về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc tại Phiên 1 và Phiên 2 cũng là tiền đề để Hội thảo tiếp tục trao đổi, thảo luận và đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả xử lý các vụ việc về động vật hoang dã ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam tại phiên làm việc thứ ba. Theo đó, ông Đỗ Nguyệt Quế – Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày về kết quả xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã ở Việt Nam. Căn cứ trên những số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Trong thời gian tới, những hoạt động cần được thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các hướng dẫn liên ngành về nghĩa vụ chứng minh và xác định tội danh trong một số trường hợp cụ thể; xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho thực thi pháp luật; xây dựng cơ sở dữu liệu chuyên ngành hướng dẫn việc xử lý các vụ việc vi phạm có liên quan đến động vật hoang dã; xây dựng mạng lưới, câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm, thông tin tình báo giữa các cơ quan thực thi pháp luật và tố tụng liên quan đến xử lý các vụ việc về động vật hoang dã; ngoài ra, nâng cao nhận thức và hiểu biết về vai trò sinh thái của các loài hoang dã cho ngành kiểm sát, tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật, v.v.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát – Chủ trì Hội thảo đánh giá cao các ý kiến tham luận, trao đổi của các chuyên gia. Đồng thời, nhấn mạnh những nội dung, kết quả mà Hội thảo đã đạt được trong việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất được những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường các biện pháp, giải pháp bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm, nguy cấp để ứng dụng có hiệu quả tại Việt Nam nói chung và khu vực các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước nói riêng trong thời gian tới. Có thể nói rằng, kết quả mà Hội thảo đã đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời cũng là dịp để các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tư pháp tại địa phương chia sẻ, trao đổi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ khi xử lý các vụ, việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Đây cũng là dịp để cán bộ, giảng viên và học viên của Nhà trường nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp./.
d6a731a9b8da76842fcb
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tác giả bài viết: Hà Tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
Hoàng Kim Panelbanner kiemsat2vks1
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay22,154
  • Tháng hiện tại201,325
  • Tổng lượt truy cập14,240,839
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây