Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu của Trường Nghiệp vụ đến các đại biểu của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, các Vụ nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương.
TS. Nguyễn Văn Khoát (bên phải), và TS. Nguyễn Quốc Hân (bên trái) đồng chủ trì Hội thảo
Tại điểm cầu Trường Nghiệp vụ, TS. Nguyễn Văn Khoát – Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ và TS. Nguyễn Quốc Hân – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đồng chủ trì Hội thảo. Các đại biểu của Trường còn có TS. Đinh Xuân Nam – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; Ban giám hiệu, Lãnh đạo các Phòng, Khoa cùng toàn thể giảng viên của Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm; Khoa Kiểm sát hình sự.
Các đại biểu khách mời gồm có: Đại diện Trường Đại học kiểm sát Hà Nội; Vụ 1, 2, 5, 6, 14, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang, Quảng Ninh.
TS. Nguyễn Văn Khoát – Bí thư đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát – Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ nêu mục đích tổ chức Hội thảo nhằm gắn lý luận với thực tiễn công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên. Thông qua Hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu khoa học, Lãnh đạo, các giảng viên, Kiểm sát viên làm công tác thực tiễn tại hai cơ sở đào tạo của Ngành và của các đơn vị nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trên cả nước có cơ hội trao đổi, thống nhất nhận thức về những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, quy định của quy chế nghiệp vụ của Ngành, đặc biệt là các quy định mới liên quan đến hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên; chia sẻ và nắm bắt những kinh nghiệm hay, những bài học quý từ thực tiễn công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đây cũng chính là cơ sở để Nhà trường tổng hợp, tiếp thu để chỉnh sửa Tập bài giảng, xây dựng giáo trình đưa vào công tác giảng dạy.
Sau 01 buổi làm việc hết sức khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và tập trung cao độ, các đại biểu đã trình bày 08 tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn cao, trong đó PGS, TS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội trình bày tham luận “Những quy định mới của pháp luật về Kiểm sát viên hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự và yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng tại các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát nhân dân”; TS. Nguyễn Tiến Sơn, Vụ trưởng Vụ 1 Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Những yêu cầu đặt ra đối với Kiểm sát viên khi tiến hành hỏi cung bị can và kiểm sát việc hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, không nhận tội hoặc lời khai không thống nhất, có mâu thuẫn ở giai đoạn điều tra, truy tố”; TS. Lê Minh Long, Vụ trưởng Vụ 2 VKSND tối cao chia sẻ “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng trong trường hợp thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”; Đồng chí Lê Minh Đức, Phó Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng tham luận “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong việc lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ, bị khởi tố, người làm chứng, người bị hại trước khi đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố bị can”; TS. Nguyễn Quốc Hân, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước với tham luận “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong công tác phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hỏi cung bị can, tổng hợp, đánh giá kết quả hỏi cung trước khi kết thúc điều tra vụ án hình sự”; Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong việc lấy lời khai người làm chứng, bị hại là người dưới 18 tuổi từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang”; Ths. Vũ Thị Đoan Trưởng phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh “Khó khăn, vướng mắc trong việc lấy lời khai người tham gia tố tụng là người nước ngoài từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh và giải pháp khắc phục”; Đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cần Thơ “Kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên để nâng cao chất lượng hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Những ý kiến tham luận, đóng góp của các đại biểu được nêu lên ngắn gọn, súc tích các kiến thức pháp luật mới về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Viện kiểm sát, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác và đề xuất kiến nghị các giải pháp thiết thực.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát – Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ gửi lời cảm ơn đến tất cả đại biểu đã dành thời gian tham dự để trao đổi, chia sẻ những nội dụng tham luận chất lượng cùng Hội thảo; tạo tiền đề giúp Nhà trường có điều kiện, cơ sở để tổng hợp, rút ra những vấn đề cốt lõi trong lý luận và quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Viện kiểm sát; những bài học kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong thực tiễn công tác để cập nhật, chỉnh sửa tài liệu, xây dựng giáo trình đưa vào công tác giảng dạy. Qua đó, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp, góp phần nâng cao năng lực công tác của đội ngũ Kiểm sát viên đang làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tại Viện kiểm sát các cấp. Đồng thời có cơ sở báo cáo, đề xuất, tham mưu cho các Vụ nghiệp vụ Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tổng kết thực tiễn, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết vụ án hình sự theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành của quý đại biểu, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, các Vụ nghiệp vụ trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân./.
Đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Trường Nghiệp vụ chụp ảnh lưu niệm
Tác giả bài viết: Hoài Thương
Nguồn tin: tkshcm.edu.vn
Ý kiến bạn đọc