MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VỀ THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

Thứ sáu - 27/09/2019 02:49 17.672 0
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, đã quy định chi tiết hơn so với BLTTHS năm 2003 quy định về thực nghiệm điều tra trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Theo đó, BLTTHS năm 2003, không quy định bắt buộc Kiểm sát viên (KSV) phải kiểm sát trực tiếp việc thực nghiệm điều tra, nên trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, KSV chủ yếu kiểm sát việc thực nghiệm điều ra thông qua nghiên cứu các biên bản thực nghiệm điều tra do Điều tra viên thực hiện. Để nâng cao trách nhiệm của KSV trong kiểm sát hoạt động điều tra, BLTTHS năm 2015 đã quy định bổ sung bắt buộc KSV phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra, theo đó: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản” (khoản 2 Điều 204 BLTTHS năm 2015).
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng thấy còn có nhiều vướng mắc, chẳng hạn như vi phạm quy định về thực nghiệm điều tra, thể hiện ở việc không tổ chức thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mà thực hiện ở nơi khác, dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng1. Như vậy, liên ngành tư pháp trung ương cần phải có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thống nhất khi tiến hành thực nghiệm điều tra.
Khoản 1 Điều 204 BLTTHS năm 2015 quy định về thực nghiệm điều tra như sau: “Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản”.
Như vậy, điều luật quy định thực nghiệm điều tra vụ án hình sự là việc để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Khi thực nghiệm điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.
Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, nhưng phải tại nơi xảy ra vụ án và thời gian, địa điểm thực hiện phải tương đồng với thời gian khi xảy ra vụ án để đánh giá, kiểm chứng lại lời khai của bị can, bị hại, người làm chứng có phù hợp với hiện trường xảy ra vụ án hay không.
Ví dụ: bị can khai nhận vào khoảng 18 giờ ngày 11/12/2018, bị can thực hiện hành vi phạm tội tại địa điểm A, khi Cơ quan điều tra muốn thực nghiệm lại hiện trường cũng phải căn cứ vào khoảng thời gian và địa điểm này để cho bị can diễn lại hành vi phạm tội mà bị can khai nhận. Từ đó, mới có thể đánh giá có phù hợp với lời khai của bị can, người làm chứng, bị hại khai nhận hay không. Chẳng hạn, ánh sáng, thời tiết lúc bị can thực hiện hành vi phạm tội như thế nào để đánh giá cho khách quan có phù hợp với điều kiện, thời tiết, ánh sáng mà bị can, bị hại, người làm chứng khai nhận hay không. Trong trường hợp này thì điều luật quy định tương đối chi tiết.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tình tiết điều luật quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì hiện đang có nhiều ý kiến chưa thống nhất:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vần đề thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự. Theo đó, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. Do vậy, trong mọi trường hợp khi thực nghiệm điều tra cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án.
Ý kiến thứ hai cho rằng, đối với trường hợp tình tiết điều luật quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, mà chỉ cần tại một địa điểm nhất định như trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ cho bị can, bị hại, người làm chứng diễn lại hành vi mà bị can khai nhận để kiểm tra, xác minh lại tình tiết đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự chứ không nhất thiết phải diễn tả tại nơi hiện trường xảy ra vụ án. Bởi vì, nếu thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, thì công tác bảo vệ hiện trường là rất phức tạp dẫn đến tổn kém công sức cũng như chi phí cho công tác thực nghiệm điều tra.
Ví dụ 1: Bị hại khai nhận bị chém ba nhát dao vào bụng, sườn, vai gây thương tích, nhưng bị can cho rằng bị can không có chém mà chỉ dùng dao quơ qua, quơ lại không biết trúng vào đâu. Trong trường hợp này, chỉ cần cho bị can, bị hại diễn tả lại hành vi chứ không nhất thiết phải dựng lại hiện trường. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ cần thực nghiệm điều tra cho bị can, bị hại diễn lại hành vi tại nơi trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định của BLTTHS năm 2015.
Ví dụ 2: Tại hiện trường vụ trộm cắp tại sản để lại nhiều dấu vết cạy cửa phía trước để đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản, nhưng bị can lại khai nhận là đi vào cửa sau. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tiến hành thực nhiệm hiện trường tại nơi xảy ra vụ án để kiểm tra, xác minh lại tình tiết đã diễn ra chứ không thể cho bị can diễn lại hành vi tại nơi trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can.
Như vậy, biện pháp thực nghiệm điều tra tại hiện trường nơi xảy ra vụ án là phải trong các trường hợp nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án như: Kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể trông thấy, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không?... Theo đó. trong trường hợp này thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Còn đối với ở ví dụ 1 thì không nhất thiết phải dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án mà chỉ cần cho bị can, bị hại, người làm chứng diễn lại hành vi tại nơi trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, qua nghiên cứu BLTTHS năm 2015, theo tác giả, quy định về thực nghiệm điều tra cần được hướng dẫn theo hướng như sau:
Thứ nhất, khi thực nghiệm điều tra để kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không; người làm chứng, bị hại có thể trông thấy, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bắt buộc phải thực hiện tại hiện trường nơi xảy ra vụ án, thời gian, địa điểm phải đồng nhất với thời gian, địa điểm mà bị can thực hiện hành vi phạm tội, trừ trường hợp hiện trường bị xáo trộn, hoặc đã thay đổi hiện trường vụ án không thể khắc phục được thì chỉ cần cho diễn lại hành vi tại một địa điểm nào đó là đúng quy định của pháp luật. 
Thứ hai, đối với trường hợp chỉ cho diễn lại hành vi thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại hiện trường xảy ra vụ án mà chỉ cần một địa điểm nào đó thuận tiện cho việc bị can, bị hại, người làm chứng diễn tả lại hành vi là đảm bảo đúng thủ tục tố tụng.
Đồng thời, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có văn bản hướng dẫn khoản 1 Điều 204 BLTTHS năm 2015 về thực nghiệm điều tra để thống nhất áp dụng vào thực tiễn.

  1. Xem thêm Báo cáo chuyên đề số 149/BC-VC3-V1 ngày 05/10/2016 của VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo chuyên đề án hình sự do Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội hoặc hủy để điều tra, xét xử lại thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Tác giả bài viết: Lê Văn Quang -VKSND Lộc Ninh

Nguồn tin: Tạp chí Kiểm sát số 18/2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây