Thực trạng xử lý tội phạm về giao thông hiện nay

Thứ hai - 29/11/2021 03:17 3.116 0

hình ảnh minh họa

hình ảnh minh họa
Trong những năm qua tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông thuận lợi, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế, bất cập; một số tuyến đường, đoạn đường đã xuống cấp nhưng chưa nâng cấp, sửa chữa kịp thời
Tuyến ĐT 741 vừa thi công nâng cấp, mở rộng vừa khai thác nên tai nạn giao thông xảy ra nhiều; còn nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ. Do đó, việc kéo giảm tai nạn giao thông là hết sức cần thiết. Trong đó, điều tra làm rõ nguyên nhân gây tai nạn, lỗi, hậu quả, tác hại… của các vụ tai nạn giao thông đường bộ để từ đó có các giải pháp phòng ngừa góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Tai nạn giao thông đường bộ là một loại tai nạn xã hội, do một bên hoặc nhiều bên tham gia giao thông, do phương tiện cơ giới hoặc không cơ giới, đang vận chuyển trên đường giao thông đường bộ, đã có nhiều thiếu sót về các biện pháp an toàn hoặc do vô ý hay do những tình huống bất ngờ xảy ra không kịp phòng ngừa để gây ra thiệt hại về người, tài sản, phương tiện, gây mất trật tự công cộng.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, để hạn chế và làm giảm tai nạn giao đường bộ các nhà làm luật đã đưa ra những quy định và chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tất cả các quy định về xử phạt sai phạm liên quan tới giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, trước hết chúng ta cần phải xác định thế nào là người tham gia giao thông đường bộ? đối chiếu với quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định thì: Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”. Như vậy trong quy định này chúng ta hiểu rằng có 03 nhóm chủ thể tham gia giao thông đường bộ gồm:
Nhóm thứ nhất, người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Nhóm thứ hai, người điều khiển, dẫn dắt súc vật.
Nhóm thứ ba, người đi bộ trên đường bộ.    
Hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ: Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ). Như vậy, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của BLHS mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chúng ta thấy việc xử lý đối với hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ chủ yếu chỉ đối với nhóm đối tướng thứ nhất (Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ) còn việc xử lý đối với nhóm đối tượng thứ hai, ba (người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ) là rất ít, thậm chí là không có. Theo số liệu thống kê Từ 01/12/2018 đến 31/5/2020, toàn tỉnh Bình Phước xảy ra 514 vụ vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Trong đó có 514 vụ/514 vụ khám nghiệm hiện trường có Kiểm sát viên tham gia kiểm sát khám nghiệm (đạt 100%) và đã chuyển xử lý hình sự 119 vụ (không có vụ nào khởi tố đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ). Vấn đề đặt ra ở đây chúng ta cần phải suy nghĩ, đó là có hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ đối với 02 nhóm đối tượng này có xảy ra trên thực tế hay không? Đối với bản thân tác giả cho rằng là có, tuy nhiên việc xử lý lại còn bỏ ngỏ? Như vậy cần có cách hiểu đầy đủ và chính thống hơn đối với loại tội phạm này từ đó hạn chế xử lý oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trên thực tế.
Để pháp luật thực hiện nghiêm minh đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, trong thời gian tới kiến nghị các cấp có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý đối với loại tội phạm này theo hướng:
Một là, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, chuyên đề tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Hai là, đội ngũ cán bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên cần thay đổi tư duy và cách hiểu về nhóm đối tượng tham gia giao thông đường bộ, tránh hiểu không đầy đủ các nhóm đối tượng tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Từ đó trong khi thực thi nhiệm vụ (khám nghiệm hiện trường ban đầu) có cách đánh giá tổng thể, chính xác chủ thể thực hiện hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ để có cách xử lý vụ, việc đúng quy định pháp luật.
Ba, nâng cao vai trò của đội ngũ Kiểm sát viên các cấp trong việc tham gia khám nghiệm hiện trường cũng như trong việc nhận xét, đánh giá lỗi trong các vụ, việc liên quan đến giao thông đường bộ.

Tác giả bài viết: Thanh Tuấn

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây