Đúc kết từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em của Viện kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp tỉnh Bình Phước, để góp phần thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2022, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước đồng chí Nguyễn Quốc Hân và Thạc sỹ, Trưởng phòng 9 đồng chí Lê Văn Quang đã đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.
Ngày 11/8/2022, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước đã tổ chức cuộc họp tư vấn tuyển chọn đề tài “Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước” do đồng chí Nguyễn Quốc Hân –Phó Viện trưởng (Chủ nhiệm Đề tài) cùng đồng chí Lê Văn Quang – Trưởng phòng 9 (thư ký Đề tài). Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự tuyển chọn còn có TS. Lê Nguyên Thanh, giảng viên Khoa Luật Hình sự Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phản biện 1; TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trường Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh phản biện 2 và các Nhà khoa học. Tại cuộc họp, các Nhà khoa học và thành viên hội đồng nhận xét: Đề tài đã bám sát nội dung nghiên cứu, khái quát hóa thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, đưa ra các giải pháp cụ thể, có tính ứng dụng tốt, đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu của tỉnh; tuy nhiên đề nghị Chủ nhiệm đề tài cần chú ý sửa lại tên đề tài, kết cấu cho phù hợp, bổ sung tổng quan nghiên cứu.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Trần Tuyết Minh khẳng định, đây là 1 trong 5 đề tài đã được UBND tỉnh phê duyệt trong danh mục nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cấp tỉnh năm 2022. Thực tế những năm gần đây, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng và toàn xã hội nói chung. Kết quả nghiên cứu của đề tài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi thụ lý, giải quyết những loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn là cơ sở để đề xuất chính sách về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cũng như là nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức và các nghiên cứu liên quan nhằm bảo vệ và phát triển trẻ em tỉnh Bình Phước nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung. Vì vậy, đề nghị đồng chí Chủ nhiệm đề tài tiếp thu góp ý của các nhà khoa học và thành viên hội đồng để chỉnh sửa cho phù hợp, xây dựng Đề tài có chất lượng, phát huy được giá trị, phục vụ tốt nhất cho mục đích đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trẻ em.
Sau khi thảo luận, Hội đồng đã tiến hành đánh giá, bỏ phiếu với số điểm 86,2 điểm và thống nhất lựa chọn Viện KSND tỉnh Bình Phước là đơn vị tổ chức thực hiện đề tài, TS. Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Hân làm chủ nhiệm đề tài./.
Hình ảnh về cuộc họp:
Đồng chí Nguyễn Quốc Hân –Phó Viện trưởng (Chủ nhiệm Đề tài) Thuyết minh về đề tài tại cuộc họp, cùng đồng chí Lê Văn Quang – Trưởng phòng 9 (thư ký Đề tài).
TS. Lê Nguyên Thanh, giảng viên Khoa Luật Hình sự Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phản biện 1 góp ý về Đề tài.
TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trường Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Phản biện 2 góp ý về Đề tài.
Th.s Võ Văn Tài-Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh góp ý về Đề tài.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Toàn cảnh buổi họp.