Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, nếu “cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Tuy nhiên, để xây dựng giá trị đạo đức của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên không phải là việc làm đơn giản mà là một quá trình tôi luyện, giáo dục, tự tu dưỡng rèn luyện lâu dài, phức tạp thậm chí là trải qua những hành trình đầy chông gai, cạm bẫy. Đối với Đảng, xây dựng phẩm chất, đạo đức cho mỗi đảng viên là nhiệm vụ cấp bách và cực kỳ quan trọng, việc đó được thực hiện bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau, tuy nhiên, con đường trực tiếp nhất, hiệu quả nhất vẫn là thông qua sinh hoạt chi bộ. Bởi chi bộ cấp cơ sở gắn bó mật thiết, gần gũi nhất đối với từng đảng viên, sinh hoạt chi bộ không chỉ là nơi xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ mà còn là diễn đàn dân chủ mà ở đó nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình của đảng được thể hiện rõ nét nhất. Qua đó, từng bước giáo dục, uốn nắn, điều chỉnh và định hướng cho lối sống, hành động của mỗi đảng viên, đồng thời là nơi phát hiện và nhân rộng những nhân tố tích cực, kịp thời điều chỉnh và loại bỏ những nhân tố tiêu cực góp phần làm cho tổ chức đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Chính từ những vai trò thiết thực của sinh hoạt chi bộ mà ngày 02/3/2012 Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TW “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” làm cơ sở để các tổ chức cơ sở đảng hướng đến thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ. Theo đó, ngày 06/7/2018, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 12-HD/TW thay thế hướng dẫn số 09-HD/TW đã bổ sung để phù hợp với các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra. Qua đó, Hướng dẫn số 12-HD/TW đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp,Viện kiểm sát nhân dân (KSND) được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 107 Hiến pháp năm 2013). Để có thể thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát, Viện KSND còn không ngừng nâng cao rèn luyện, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn ngành; góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công vụ cũng như tăng cường niềm tin của nhân dân vào hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật nói chung và Viện KSND nói riêng; từ đó cũng góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng của ngành Kiểm sát thêm trong sạch, vững mạnh.
Mặc dù không trực tiếp tham gia vào các hoạt động chuyên môn của một Đảng chính trị, nhưng với tư cách là một các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ thị xã Phước Long; góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới và bảo vệ an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã; bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chi bộ Viện KSND thị xã Phước Long cũng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó luôn nhấn mạnh việc giáo dục tác phong, đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cơ bản của một tổ chức cơ sở đảng như: Chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra các chủ trương, nhiệm vụ chính trị của chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. Chú trọng xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng và hiệu quả sinh hoạt đảng; thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong đảng; thường xuyên chú trọng công tác phát triển đảng viên. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; quan tâm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong chi bộ hướng đến xây dựng chi bộ Viện kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh, xúng tầm nhiệm vụ.
Để có thể làm tốt nhiệm vụ chuyên môn – chính trị tại địa phương của chi bộ; những năm qua cùng với sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ chi bộ và sự lãnh đạo, chỉ đạo cương quyết, công tâm và bản lĩnh của đồng chí Bí thư chi bộ; chi bộ Viện KSND thị xã Phước Long đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ; bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt định kỳ, chi bộ còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của chi bộ như: “Phong cách lãnh đạo quần chúng luôn gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân của Hồ Chí Minh”;“ Cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra”;……. Đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả mô hình đăng ký việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Cán bộ, Kiểm sát viên Viện KSND thị xã Phước Long công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn trong thực thi công vụ”. Qua các buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ luôn triển khai thường xuyên, liên tục việc học tập các Nghị quyết mới của Đảng đến toàn thể đảng viên, đặc biệt xuyên suốt với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Đặc biệt giáo dục sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên về nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng nhằm tăng cường sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ nói riêng và Đảng bộ thị xã Phước Long nói chung.
Những đổi mới tích cực trong công tác chỉ đạo chi bộ của đồng chí Bí thư cũng như sự nhận thức sâu sắc của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đối với vai trò, trách nhiệm của mình trước những yêu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới. Điều đặc biệt hơn mà mỗi đảng viên trong chi bộ Viện KSND thị xã Phước Long luôn ghi sâu trong lòng đó là vai trò nêu gương của mỗi đảng viên, bởi chúng tôi nhận thức được rằng để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục hoàn thành trọng trách lịch sử của mình thì việc tôi luyện, rèn đức bản lĩnh chính trị, đức hy sinh của mỗi đảng viên là yếu tố nền tảng và quan trọng nhất. Vì lẽ đó, chúng tôi luôn đặt trên vai mình trọng trách nặng nề trước Đảng, trước dân nhất là trong giai đoạn mà công cuộc đấu tranh xử lý, phòng chống tham nhũng do Đảng phát động hiện nay đang lên đến cao trào. Chúng tôi hiểu rằng, nêu gương mà không hành động thì việc nêu gương chỉ là một thứ đạo đức suông. Vì thế, phải cần đến hành động, cần đến sự đồng hành của pháp luật mà chúng tôi, những cán bộ, kiểm sát viên đang gánh trên mình trọng trách bảo vệ sự nghiêm chỉnh, công bằng, bình đẳng của công lý; là những người hiện thực hóa các quy định của pháp luật và cũng là những người dù trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ mang niềm tin vào công lý, vào vai trò lãnh đạo của Đảng đến cho từng mỗi tầng lớp nhân dân; chúng tôi hiểu rằng, chế độ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân” là chế độ mà ở đó pháp luật phải được thượng tôn, được thực thi một cách nghiêm túc, công bằng và có hiệu quả; là công cụ để xây dựng một nền xã hội nhân đạo, công bằng và bình đẳng. Có như vậy, niềm tin của nhân dân vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mới có thể trở thành hiện thực, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mà chúng ta xây dựng mới bền vững, trường tồn. Cho nên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn kiên định giữ vững tư thế và hình ảnh của người cán bộ kiểm sát: “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn” theo lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố chứng tôi luôn khắc ghi Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai” bởi hoạt động công tố mà chúng tôi đang thực hiện gắn liền với tính mạng, danh dự, nhân phẩm và cốt cách của một công dân trên chính quê hương, đtấ nước mình. Chúng tôi hiểu rằng, tội phạm và hình phạt mà chúng tôi đề nghị trong mỗi bản luận tội bên cạnh mục đích trừng trị còn mục đích quan trọng hơn là hướng đến việc giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành những người lương thiện, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó, tạo cơ hội để người phạm tội tự cảm hóa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta; từ đó, tính nhân đạo, nhân văn và tính hướng thiện của pháp luật trong việc ghi nhận bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, quyền công dân trước các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam gia nhập mới thể hiện rõ nét.
Nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã từng khẳng định: “Nếu chỉ kêu gọi đức trị mà thiếu pháp trị đi kèm chỉ là kêu gọi suông; đức trị không gắn liền với luật pháp thì không thể thành công trong quản trị. Gia thì có gia phong, nước thì có quốc pháp. Vấn đề nêu gương không thể không gắn với luật pháp, chế tài đi kèm. Khi đạo lý chưa đủ thấu, đạo đức chưa đủ chuyển thì pháp lý phải toàn dụng, pháp luật phải ra tay. Đó là cách quản trị quốc gia văn minh nhất”.
Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của pháp luật trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Kế hoạch số 179 của Viện KSND tối cao khẳng định việc cần thiết phải xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ kiểm sát: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỹ cương trách nhiệm”.
Do đó, bên cạnh việc tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, mỗi đảng viên – cán bộ kiểm sát như chúng tôi luôn phấn đấu phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người cán bộ vừa góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Ngành kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp vừa tăng cường sự thanh liêm, chính trực của người cán bộ, xứng đáng là “công bộc, đầy tớ trung thành” của nhân dân, vì nhân dân phục vụ và bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Với những định hướng, chỉ đạo nghiêm túc, sáng tạo của đồng chí Bí thư; nổ lực rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên trong chi bộ năm 2017, chi bộ Viện KSND thị xã Phước Long vinh dự là một trong 7 chi bộ trực thuộc được Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Phước Long công nhận “Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”. Kế thừa và phát huy những thành tích nêu trên, năm 2018 chi bộ Viện KSND thị xã Phước Long tiếp tục đoàn kết, đổi mới, trí tuệ nhằm thực hiện xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm. Góp phần cùng Viện KSND tỉnh Bình Phước nói riêng và Ngành kiểm sát nhân dân nói chung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân giao phó, đồng thời hướng đến việc bảo vệ tốt nhất các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!