VKS tỉnh Bình Phước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2019

Thứ sáu - 19/04/2019 05:35 1.845 0
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC), năm 2019 ngành KSND tỉnh Bình Phước đã đề ra khâu đột phá đối với công tác kiểm sát THADS đó là: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, thu hồi tài sản (chú trọng các vụ án về tham nhũng, kinh tế)” và “Tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thi hành án dân sự”. Qua thực hiện trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả đáng kể.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, Viện KSND tỉnh Bình Phước kiểm sát thụ lý 255 việc, với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng. Cục THADS tỉnh Bình Phước đã thi hành xong 52 việc, với số tiền gần 3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37% về việc, 17% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành. Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động THADS đối với các cơ quan Thi hành án dân sự; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án dân sự. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước thấy còn một số dạng vi phạm như sau: 
Trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án đã vi phạm trong việc xác minh sai đối tượng người phải thi hành án, xác minh tài sản của người đại diện công ty mà không xác minh tài sản của công ty theo điểm d khoản 4 Điều 44 Luật THADS năm 2014, nên khi xác định người đại diện công ty không có tài sản đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.
Mặt khác, sau khi ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án, Chấp hành viên chưa làm thủ tục niêm yết tại xã, phường; xác minh điều kiện thi hành án 02 lần vẫn chưa có điều kiện, nhưng không thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án biết kết quả xác minh. Khi có tài sản là nhà và đất ở đã không tiến hành xác minh tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản, để xác định chủ sở hữu làm cơ sở kê biên nên vụ việc kéo dài.
Để đảm bảo việc thi hành án, các Chi cục THADS sau khi xác minh người phải thi hành án có tài sản đã ban hành công văn đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp thực hiện thi hành án để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản mà không ban hành quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Chấp hành viên xác minh tại Ngân hàng xác định người phải thi hành án là phạm nhân ủy quyền cho người nhà vay thế chấp bằng quyền sử dụng đất với số tiền thấp so với số tiền mà Ngân hàng đã thẩm định tài sản trên đất được ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, Chấp hành viên đã không tiến hành kê biên, xử lý tài sản thế chấp theo Điều 90 Luật THADS năm 2014. Ngoài ra, hiện nay tại nhiều địa phương, các Chi cục THADS xác minh người phải thi hành án có tài sản thế chấp tại Ngân hàng, chưa làm rõ giá trị tài sản thế chấp đã phân loại án chưa có điều kiện thi hành.
Vi phạm trong việc thi hành án dân sự: trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm, Chấp hành viên không yêu cầu cơ quan đăng ký đất đai cung cấp thông tin về tài sản là quyền sử dụng đất, trích lục sơ đồ. Đồng thời sau khi kê biên tài sản, Chấp hành viên không thông báo cho cơ quan đăng ký đất đai về việc tài sản bị kê biên như quy định tại Điều 89 Luật THADS năm 2014, dẫn đến việc lệch diện tích sau khi bán tài sản qua đấu giá, tài sản bị tranh chấp không giao được tài sản.
 Trong quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản thi hành án đã không thực hiện việc đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của đơn vị và trang thông tin chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo khoản 1 Điều 56 Luật đấu giá tài sản năm 2016.
Sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án thành và ký hợp đồng bán đấu giá, người mua trúng đấu giá đã nộp tiền cho Chấp hành viên. Cơ quan THADS thu tiền bán đấu giá không gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc của đơn vị mà gửi vào tài khoản Ngân hàng để lấy lãi, hoặc gửi vào quỹ thi hành án của đơn vị, sau đó đã chi tiền bán đấu giá tài sản và tiền lãi cho người được thi hành án. Đồng thời sau khi giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên đã chậm thanh toán tiền cho người được thi hành án.
Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, Chấp hành viên không tiến hành thông báo cho đương sự theo khoản 1 Điều 39, Điều 129 Luật THADS năm 2014 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 07/2013/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2103 về giao nhận quyết định thi hành án đối với phạm nhân.
Vi phạm về quản lý tiền, tài sản thi hành án: Sau khi tạm ứng tiền của người được thi hành án, Chấp hành viên đã không thực hiện theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài Chính trong việc thu và chi theo biểu mẫu về tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án, trong hồ sơ khi thanh toán không có chứng từ hợp đồng (đăng báo, vận chuyển) và biên bản thanh lý.
Ngoài ra, các Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các ngành hữu quan trong việc giải quyết tiền tạm ứng án phí dân sự và lệ phí tồn qua nhiều năm, tuy nhiên cho đến nay số tiền tồn vẫn còn rất lớn chưa xử lý được do chưa có bản án để ra quyết định thi hành án chủ động.
Từ những vi phạm trên, 6 tháng đầu năm 2019, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã ban hành 9 kiến nghị (tăng 02 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2018) yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Phước khắc phục các vi phạm trong công tác thi hành án dân sự. Trong đó có 01 kiến nghị tổng hợp yêu cầu Cục THADS tỉnh Bình Phước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục các vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án; 01 kiến nghị phòng ngừa vi phạm yêu cầu Giám đốc Trung tâm DVĐGTS tỉnh Bình Phước chỉ đạo khắc phục các vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản và 06 kiến nghị đối với các cơ quan THADS thông qua kiểm sát các vụ việc thi hành án cụ thể. Tất cả các kiến nghị đều được các cơ quan tiếp thu, khắc phục, sửa chữa và có văn bản trả lời chấp nhận kiến nghị.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019, Viện KSND tỉnh đã ban hành tất cả 06 hướng dẫn nghiệp vụ (tăng 4 hướng dẫn so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: 02 hướng dẫn công tác kiểm sát THADS, THAHC năm 2019 và 01 hướng dẫn kiểm sát thi hành án hành chính đối với Viện KSND hai cấp; 04 hướng dẫn kiểm sát các hồ sơ THA cụ thể đối với các Viện KSND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Ban hành 02 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua công tác kiểm sát THADS; Trực tiếp tiến hành xác minh điều kiện thi hành án07 việc, trong đó có 01 việc có vi phạm, Viện KSND tỉnh đã ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; Trực tiếp kiểm sát 01 cuộc đối với Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước; kiểm sát Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Bình Phước.
Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại địa phương cho thấy vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự là rất quan trọng và cần thiết. Thông qua các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần đảm bảo việc tổ chức thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật đúng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong thi hành án dân sự./.

Tác giả bài viết: Nguyên Loan

Nguồn tin: phòng 11 Viện KSND tỉnh BÌnh Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
Hoàng Kim Panelbanner kiemsat2vks1
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay6,719
  • Tháng hiện tại246,815
  • Tổng lượt truy cập15,994,380
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây