Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng án hình sự Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc để điều tra, xét xử lại tại tỉnh Bình Phước, từ năm 2013 đến ngày 20/9/2016

Thứ hai - 17/10/2016 20:52 3.899 0

Thực hiện Nghị quyết 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự…; trong những năm gần đây ngành Kiểm sát tỉnh Bình Phước thường xuyên quan tâm công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá lại toàn bộ các vụ án VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố, Toà án tuyên không phạm tội hoặc hủy án để điều tra, xét lại nhằm rút các bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề ra các biện pháp khắc phục tình trạng này, tiến tới hạn chế thấp nhất các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.

I. THỰC TRẠNG ÁN HÌNH SỰ VIỆN KIỂM SÁT TRUY TỐ, TÒA ÁN TUYÊN KHÔNG PHẠM TỘI HOẶC HỦY ĐỂ ĐIỀU TRA XÉT XỬ LẠI TẠI TỈNH BÌNH PHƯỚC TỪ NĂM 2013 ĐẾN NAY
            
  - VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố 3749 vụ/7404 bị cáo. Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) hai cấp đã xét xử sơ thẩm 3554 vụ/7029 bị cáo, trong đó có 05 vụ/ 05 bị cáo TAND  (cấp tỉnh 2 vụ, cấp huyện 3 vụ) tuyên không phạm tội:
+ Vụ án Lê Bá Mai, phạm tội “giết người” và “Hiếp dâm trẻ em” quy định tại Điều 93, 112 Bộ luật Hình sự (BLHS), phải qua 7 lần xét xử, trải quag 10 năm, đến năm 2013 mới kết thúc bằng bản ản án phúc thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội với hình phạt tù chung thân.
+ Vụ án Nguyễn Văn Đồng, phạm tội “Giết người” theo qui Điều 93 BLHS; Bản án sơ thẩm số 28 ngày 17/8/2015 của TAND tỉnh Bình Phước tuyên bị cáo không phạm tội. Viện KSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị và ngày 24/2/2016 Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án điều tra, xét xử lại.
  + Vụ Đồng khắc Luật, Bản án sơ thẩm ngày 28/5/2014 TAND huyện Bù Gia Mập tuyên bố bị cáo Luật không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, ngày 03/7/2015 TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm, án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Vụ Hoàng Trọng Nghĩa, bị khởi tố về tội “Vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 BLHS, khởi tố bị can Nghĩa ngày 01/3/2004, vụ án đã 03 lần xét xử sơ thẩm và TAND huyện Đồng Phú đã 03 lần tuyên bị cáo không phạm tội; Viện KSND huyện Đồng Phú 03 lần kháng nghị cấp phúc thẩm. TAND tỉnh Bình Phước 3 lần tuyên hủy án giao về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Hiện hồ sơ vụ án đã chuyển sang TAND huyện Đồng Phú để xét xử sơ thẩm lần thứ tư.
+ Vụ Trần Văn Lý, ngày 2/4/2004 Viện KSND thị xã Đồng Xoài truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS và tội “Trốn khỏi nơi dẫn giải” theo Điều 311 BLHS. Ngày 14/9/2004, TAND thị xã Đồng Xoài tuyên phạt Lý đối với 02 tội là 18 tháng tù, bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 6/6/2006 TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, để điều tra, xét xử lại. Ngày 19- 20/9/2012 TAND thị xã Đồng Xoài xét xử tuyên bố Trần Văn Lý không phạm tội, Viện KSND thị xã Đồng Xoài kháng nghị và TAND tỉnh Bình Phước hủy án để xét xử lại. Ngày 31/3/2015 TAND thị xã Đồng Xoài tuyên bị cáo phạm tội, Lý kháng cáo. Ngày 25/8/2015 TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa bị cáo xin thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang  xin giảm nhẹ hình phạt, HĐXX chấp nhận, sửa án sơ thẩm, tuyên bị cáo phạm tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
- Thụ lý xét xử phúc thẩm là 737 vụ/1170 bị cáo; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 558 vụ/ 92 bị cáo, trong đó: Có 41 vụ Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.
- Lý do các vụ án trên bị TAND tuyên không phạm tội hoặc hủy để điều tra, xét xử lại: Do việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện, vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng hình sự; định tội danh sai, không thực hiện việc giám định, bỏ lọt tội phạm; nhận định, đánh giá xác định tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm khác nhau…

 II. NHỮNG NGUYÊN NHÂN THUỘC VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC, BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ CÁC GIẢI PHÁP HẠN CHẾ
2. 1. Nguyên nhân
2.1.1. Công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự còn nhiều khiếm khuyết
- Năng lực lãnh đạo, trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số lãnh đạo VKSND chưa theo kịp với những biến động phức tạp của tình hình tội phạm, còn chậm đổi mới, không chịu khó nghiên cứu, cập nhật các văn bản quy phạm pháp hoặc nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học pháp lý, nên có sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật đặc biệt là việc định tội, xác định các định các yếu tố cấu thành tội phạm; định khung hình phạt nên quyết định phê chuẩn các quyết định, lệnh của CQĐT hoặc duyệt cáo trạng truy tố không chính xác.
- Việc tổ chức, quản lý, chỉ đạo và kiểm tra của lãnh đạo VKSND đối với các hoạt động của KSV chưa sâu sát, thiếu thận trọng, chủ quan, thậm chí còn có tư tưởng khoán trắng cho KSV theo kiểu “Lãnh đạo ký quyết định, KSV cấp dưới chịu trách nhiệm”. Khi gặp những vụ việc khó khăn, vướng mắc không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ để chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới, thậm chí bảo thủ giữ quan điểm không điều tra bổ sung những chứng cứ do Tòa án trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
- Việc kiểm tra, chỉ đạo đối với các Kiểm sát viên và cán bộ dưới quyền trong việc thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo quy chế về công tác thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT), kiểm sát xét xử (KSXX) các vụ án hình sự; việc lập hồ sơ kiểm sát hình sự theo Quyết định số 590/QĐ ...của VKSND tối cao chưa được thường xuyên và không thực hiện đúng quy định. 
- Việc tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm các vụ án VKSND hai cấp tỉnh Bình Phước đã truy tố, Toà án tuyên không phạm tội hoặc hủy án để điều tra, xét lại nhằm rút các bài học kinh nghiệm chưa được tiến hành để rút ra được những thiếu sót, yếu kém về nghiệp vụ trong phạm vi toàn tỉnh, quy trách nhiệm cụ thể và có hình thức xử lý phù hợp để nâng cao trách nhiệm chưa được thực hiện trong các năm trước đây.
2.1.2. Trình độ chuyên môn, năng lực và các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên còn hạn chế; thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ
- Trình độ, kiến thức về hoạt động điều tra và THQCT, KSĐT, KSXX vụ án hình sự của một số KSV còn yếu; không nắm chắc các căn cứ pháp lý và nội dung, phương pháp tiến hành các hoạt động kiểm sát. Nhận thức của một số Kiểm sát viên (KSV) còn nhiều hạn chế, chưa nắm được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự,. Một số Kiểm sát viên còn sai lầm trong nhận định về các yếu tố cấu thành của tội phạm; không nắm chắc các đặc trưng cơ bản của từng tội phạm; đánh giá chứng cứ chủ yếu thiên về các chứng cứ buộc tội hoặc thoả mãn với lời nhận tội của bị cáo, nên không  yêu cầu điều tra các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh hành vi phạm tội, đến khi bị can không nhận tội, thì không thể thu thập được.
- Tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một số KSV chưa cao, còn nể nang, ngại va chạm; thực hiện không đầy đủ các thao tác nghiệp vụ được quy định tại các quy chế của. Chưa thường xuyên kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ như: Hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ vật chứng, nhận dạng, đối chất... Khi đề ra yêu cầu điều tra chỉ mang tính chung chung chưa cụ thể; chỉ kiểm sát gián tiếp các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai, người làm chứng qua biên bản, chưa thực hiện kiểm sát trực tiếp các hoạt động này nên đã không kịp thời phát hiện ra những mâu thuẫn trong lời khai của đối tượng phạm tội, người làm chứng để yêu cầu ĐTV làm rõ, giải quyết những mâu thuẫn, những vướng mắc.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ nên không phát hiện được những vi phạm của Cơ quan điều tra cũng như chứng cứ còn thiếu, những mâu thuẫn trong lời khai của bị can, bị hại và nhân chứng để yêu cầu điều tra bổ sung hoặc tự Kiểm sát viên phúc cung, đối chất làm sáng tỏ bản chất của vụ án.  Khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát thì việc củng cố chứng cứ, làm rõ để giải quyết các mâu thuẫn cũng chưa được giải quyết triệt để, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa cũng còn bộc lộ nhiều thiếu sót như: Dự thảo bản luận tội sơ sài, không xây dựng đề cương xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; do vậy, tại phiên tòa Kiểm sát viên thường lúng túng, nhất là khi bị cáo, Luật sư, nhân chứng đưa ra chứng cứ chứng minh  bị cáo không phạm tội thì việc tranh tụng để bác bỏ hay công nhận còn nhiều hạn chế.
2.1.3. Viện kiểm sát chưa chủ động tranh thủ xin ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp ủy địa phương và sự phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án có khó khăn, vướng mắc, về định tội và đánh giá, nhận định chứng cứ
- VKSND chưa chủ động báo cáo, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của VKSND tối cao, cấp ủy địa phương trong quá trình phối hợp các ngành tiến hành tố tụng, đặc biệt là ngành Tòa án khi giải quyết các vụ án có khó khăn, vướng mắc, quan điểm khác nhau trong việc định tội, nhận định, đánh giá chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
- Trong quan hệ phối hợp giữa VKSND, CQCSĐT và Tòa án nhân dân do quá coi trọng tính độc lập của mỗi ngành mà không chủ động phối hợp hoặc thiếu sự phối hợp.
- Khi phát hiện thấy CQCSĐT, ĐTV có thiếu sót, vi phạm trong việc tuân thủ BLTTHS thì VKSND, KSV nể nang, né tránh không kiến nghị và yêu cầu khắc phục ngay hoặc có kiến nghị và yêu cầu khắc phục nhưng không kiên quyết trong khâu tổ chức thực hiện. Trong một số vụ án, KSV yêu cầu rút kinh nghiệm và khắc phục những vi phạm thiếu sót hoặc điều tra bổ sung chứng cứ, CQCSĐT không thực hiện dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vụ án, thậm chí dẫn đến bế tắc không thể truy tố, xét xử được.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
3.1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của Ngành về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
- Kiểm sát viên phải có sự nhận thức và áp dụng chính xác các quy định của BLHS và BLTTHS cũng như các hướng dẫn áp dụng pháp luật, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, các văn bản pháp luật có liên quan, thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ quy định tại quy chế của Ngành, trong đó cần lưu ý: Các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS như suy đoán vô tội, tranh tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và tập trung giai đoạn xét xử.
- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND theo quy định của pháp luật. Trong giai đoạn kiểm sát điều tra phải thực hiện các hoạt động của VKS tập trung 3 giai đoạn:
+ Thứ nhất, làm tốt công tác kiểm sát việc khởi tố của CQĐT. Khi phát hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can không có căn cứ hoặc chứng cứ còn yếu thì phải yêu cầu là rõ, khi đủ chứng cứ thì mới phê chuẩn việc khởi tố, nếu chưa đủ chứng cứ thì kiên quyết từ chối phê chuẩn. Đối với các vụ án đã khởi tố,trong quá trình điều tra xác định không có dấu hiệu phạm tội hoặc có tài liệu, chứng cứ xác định người đã bị khởi tố không phạm tội phải yêu cầu làm rõ, không được bỏ qua và phải “dũng cảm” nhận trách nhiệm, yêu cầu cơ quan điều tra đình chỉ vụ án. Các vụ án quan điểm giữa các ngành chưa thống nhất thì cần phải được đưa ra tập thể lãnh đạo Viện hoặc Uỷ ban kiểm sát xem xét hoặc đưa ra cuộc họp liên ngành cũng như thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên trước khi ra quyết định.
+ Thứ hai, trong quá trình kiểm sát các hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ của CQĐT phải thực hiện có hiệu quả phương pháp kiểm sát trực tiếp các hoạt động điều tra: Tham gia kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hoạt động đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; chủ động thực hiện kiểm sát việc trực tiếp hỏi cung bị can, tham gia kiểm sát việc trực tiếp hỏi cung bị can từ bản cung đầu tiên, phấn đấu mỗi vụ án phải kiểm sát việc trực tiếp hỏi cung bị can từ 3 lần trở lên. Phát hiện kịp thời những mâu thuẫn và chủ động đề ra yêu cầu điều tra làm rõ hoặc tự mình tiến hành phúc cung hoặc đối chất để làm rõ hành vi vi phạm.
- Thứ ba, KSV phối hợp cùng CQĐT nhận định, đánh giá toàn bộ các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trước khi kết thúc điều tra. Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm hết được các tình tiết của vụ án, phải tổng hợp các tài liệu, chứng cứ  trong hồ sơ để đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như các chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, những thiếu sót, những vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm sát điều tra phải được làm rõ trước khi kết thúc điều tra.
3.2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý, điều hành trong việc giải quyết án hình sự
Để thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thì lãnh đạo VKSND hai cấp cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
- Lãnh đạo VKSND cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy chế theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của KSV và mối quan hệ giữa KSV với Viện trưởng VKSND. Phải cụ thế hóa phạm vi, đối tượng, nhiệm vụ, quyền hạn mà KSV có thể độc lập, nâng cao tính chịu trách nhiệm trước pháp luật trong khi thi hành công vụ, đồng thời quy định những nhiệm vụ KSV phải báo cáo và thẩm quyền quyết định do Viện trưởng.
- Đối với các vụ án VKS truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; các vụ án có khó khăn, phức tạp về nhận định, sử dụng chứng cứ để buộc tội hoặc bị can không nhận tội, thì Viện trưởng VKSND phải trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo vụ án. Trường hợp Tòa tuyên không phạm tội đúng thì yêu cầu kiểm điểm không chỉ đối với Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án mà cả lãnh đạo đơn vị đã duyệt hoặc chỉ đạo vụ án.
Đối các vụ án hủy án để điều tra, xét xử lại hoặc các vụ án có quan điểm của Tòa án khác với CQĐT, VKS nhận định giữa có tội với không có tội, Viện trưởng VKSND phải chủ động quan hệ với Giám đốc CA, Chánh án Tòa án để bàn bạc thống nhất phương hướng giải quyết; trường hợp quan điểm vẫn khác nhau cần báo cáo phân tích một cách trung thực, khách quan, có căn cứ pháp luật xin ý kiến VKSND tối cao, Ban Nội chính, các ĐC Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy nhằm tham mưu và tranh thủ ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp giải quyết án với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Xác định trách nhiệm, kỷ luật nghiệp vụ đối với người đứng đầu các đơn vị không thực hiện đúng chức trách nhiệm để xảy ra các vụ án VKS truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại và việc giải quyết tiếp theo đối các vụ án này.
- Ứng dụng công nghệ tin học vào công tác quản lý án hình sự để theo dõi quản lý tình hình tội phạm, tiến độ điều tra, kiểm sát điều tra, không để xảy ra việc vi phạm thời hạn điều tra, thời hạn tạm giữ hoặc KSV không kiểm sát thường xuyên hoạt động điều tra vụ án. Thường xuyên hoặc bất thường kiểm tra hồ sơ kiểm sát điều tra vụ án của KSV để phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, tổng hợp rút kinh nghiệm chung trong công tác.
3.3. Sắp xếp, phân công đội ngũ Kiểm sát viên có năng lực và trách nhiệm
- Rà soát, đánh giá đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của 3 phòng nghiệp vụ (Phòng 1, 3, 7) và VKSND cấp huyện để báo cáo VKSND tối cao xin chủ trương bố trí, sắp xếp phù hợp nhằm lựa chọn được người lãnh đạo, quản lý vừa có trình độ quản lý điều hành, vừa chuyên sâu nghiệp vụ.
- Đánh giá đội ngũ KSV, cán bộ làm công tác THQCT, KSĐT, KSXX án hình sự để đánh giá năng lực chuyên môn thông qua các vụ án được phân công. Trường hợp người nào để xảy ra nhiều vụ án bị hủy, trả điều tra vì thiếu chứng cứ, án bị Tòa án tuyên không phạm tội do thực hiện không đầy đủ trách nhiệm cần chuyển đổi các đơn vị công tác khác hoặc tinh giản biên chế theo quy định.
- Phân công, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng một số KSV đang công tác tại Phòng 1, 3, 7 VKSND cấp tỉnh có trình độ, kinh nghiệm thực hiện công tác THQCT, KSĐT, KSXX chuyên về một số loại tội phạm để hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, đúc kết được những kinh nghiệm quý báu, tham mưu cho lãnh đạo quyết định giải quyết các vụ án.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức thiết thực như bồi dưỡng chuyên sâu về công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kỹ năng xây dựng cáo trạng, luận tội, tranh tụng, kỹ năng đối đáp tại phiên toà…; hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo từng khâu công tác, chuyên đề, các cáo trạng, bản án, thông báo rút kinh nghiệm của 3 Viện kiểm sát cấp cao, các vụ nghiệp vụ của VKSND tối cao đưa trang thông tin điện tử để cho các cán bộ, KSV nghiên cứu, thực hiện và tham khảo.
Từ thực trạng tình hình và các giải pháp chúng tôi đang và sẽ thực hiện được trình bày trên, hiện nay VKSND tỉnh Bình Phước cũng đã có chuyển biến tích cực, các vụ án Tòa án tuyên không phạm tội, VKSND đã kiểm tra, đánh giá lại chứng cứ, các yếu tố cấu thành tội phạm để kháng nghị và được VKSND, TAND cấp tỉnh và cấp cao xét xử phúc thẩm hủy án điều tra lại ( Vụ Nguyễn Văn Đồng, phạm tội giết người) hoặc xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội (Vụ Lê Bá Mai, phạm tội giết người; vụ Lý, phạm tội ...). Đồng thời khắc phục các vụ án mới khởi tố từ năm 2015 đến nay, VKSND truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội và từng bước hạn chế việc Tòa án tuyên hủy án để điều tra lại.
  

Tác giả bài viết: Bài viết: TS Lê Đức Xuân

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây