Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong điều tra vụ án hình sự” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 25/06/2019 03:38 6.346 0
Thông qua công tác Thực hàn quyền công tố (THQCT), Kiểm sát điều tra (KSĐT) các vụ án đặc biệt nghiêm trọng phạm tội không quả tang, án truy xét, lúc bị can nhận tội lúc không nhận tội, không có nhân chứng trực tiếp, vật chứng thu thập không đầy đủ.. Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Phước nêu lên những thực trạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, để có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong điều tra vụ án hình sự.
Từ thực trạng một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng Kiểm sát viên (KSV) chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án; chưa kiểm sát chặt chẽ quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án để kịp thời phát hiện và yêu cầu Điều tra viên (ĐTV) khám nghiệm kỹ hiện trường chính, mô tả chi tiết cụ thể các dấu vết, vật chứng phát hiện và việc thu giữ, niêm phong vật chứng để kịp thời khắc phục, bổ sung đảm bảo tính khách quan và đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Yêu cầu điều tra (YCĐT) chỉ tập trung yêu cầu làm rõ về tội phạm, người phạm tội và những vấn đề phải chứng minh trong vụ án mà không chú ý yêu cầu để hoàn thiện, bổ sung về thủ tục tố tụng.
- Kiểm sát viên chủ quan, thỏa mãn với lời khai nhận tội của bị can mà không yêu cầu điều tra để làm rõ sự phù hợp giữa lời khai nhận tội của bị can với tài liệu chứng cứ khác. Trong khi lời khai nhận tội của bị can còn nhiều mâu thuẫn nhau, lúc nhận tội lúc không nhận tội; lời khai của người làm chứng không nhất quán và rõ ràng. KSV không chủ động phối hợp, yêu cầu Điều tra viên, thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu điều tra, không bám sát quá trình điều tra và nắm được kết quả điều tra nên khi ĐTV không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra thì KSV không biết để yêu cầu hoặc báo cáo lãnh đạo có hướng giải quyết, đến khi vụ án kết thúc điều tra hoặc chuyển sang Tòa án mới phát hiện nên phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
- Kiểm sát viên không thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy chế của Ngành về những trường hợp KSV phải trực tiếp hỏi cung bị can khi tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng; không tham gia kiểm sát trực tiếp đầy đủ các hoạt điều tra thu thập chứng cứ, đặc biệt như: Hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, đối chất, nhận dạng, khám xét... của Điều tra viên.
- Kiểm sát viên không chấp nhận hoặc chấp nhận nhưng không triển khai thực hiện đầy đủ những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án hoặc kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh những vấn đề mới cần điều tra bổ sung nhưng không được bổ sung dẫn đến việc Tòa án trả lại tiếp tục yêu cầu bổ sung chứng cứ hoặc điều tra bổ sung, gây không ít những khó khăn trong điều tra, đánh giá chứng cứ và làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Giải pháp để nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện bản yêu cầu điều tra: 
Tùy theo tính chất từng vụ án mà KSV đề ra một hay nhiều bản yêu cầu điều tra. Thông thường các vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, không có đồng phạm, diễn biến hành vi phạm tội rõ ràng, công tác điều tra thu thập chứng cứ thuận lợi… thì có thể ban hành một bản yêu cầu điều tra. Nhưng đối với các vụ án phức tạp về chứng cứ, tội danh, có nhiều bị can tham gia, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, án xảy ra ban đêm, án không có nhân chứng hoặc ít nhân chứng, độ tin cậy của nhân chứng không cao… thì nhất thiết phải ban hành nhiều bản yêu cầu điều tra.
Trước khi bản hành yêu cầu điều tra, KSV phải nghiên cứu kỹ tài liệu có trong hồ sơ bao gồm tài liệu chứng cứ lời khai, kết luận giám định và cả tài liệu tố tụng; nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để áp dụng giải quyết vụ án cụ thể. Trên cơ sở đó mới đề ra những nội dung cần yêu cầu điều tra. Đồng thời, KSV cần trao đổi với ĐTV về những nội dung được đề cập trong yêu cầu điều tra đồng thời để tránh lặp lại những nội dung đã điều tra hoặc đã có trong Kế hoạch điều tra của ĐTV. Trong quá trình điều tra vụ án, KSV phải thực sự đồng hành với Cơ quan điều tra, với ĐTV để bám sát tiến độ và kết quả điều tra, nắm chắc tình trạng hồ sơ vụ án, những nội dung mới phát sinh thì mới kịp thời ban hành bản yêu cầu điều tra được.
Từ kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi thấy có 5 trường hợp phải tiếp tục ban hành YCĐT. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, yêu cầu điều tra để hoàn thiện và bổ sung về thủ tục tố tụng: Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ cần chú ý đến những thiếu sót thường gặp như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, niêm phong vật chứng; biên bản làm việc, ghi lời khai viết sai ngày, tháng, năm hoặc mâu thuẫn về thời gian giữa các tài liệu, thành phần tham gia… Trong trường hợp này, yều cầu điều tra phải nêu rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nào, ở trang tài liệu nào, phương pháp và cách thức khắc phục ra sao. Yêu cầu đặt ra là lập biên bản mới; nếu sửa chữa thì phải chỉ rõ cụ thể. Nếu có sự mâu thuẫn về không gian, thời gian, địa điểm của các văn bản tố tụng thì nêu đích danh ở biên bản nào, lời khai nào để yêu cầu khắc phục. Đây là thủ tục bắt buộc để Hội đồng xét xử đánh giá khi tuyên án có hay không vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự[1]
- Thứ hai, yêu cầu bổ sung, làm rõ và hoàn thiện về chứng cứ: Yêu cầu làm rõ các nội dung gồm: Chứng cứ để xử lý, kết luận; tài liệu có trong hồ sơ vụ án phản ánh chứng cứ không đủ cơ sở để kết luận; chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, nguồn chứng cứ này “triệt tiêu” chứng cứ kia; đã có thông tin chứng cứ qua tài liệu có trong hồ sơ vụ án nhưng chưa được điều tra, thu thập; các chứng cứ gỡ tội (nếu có) chưa được điều tra, thu thập.
- Thứ ba, những nội dung mới cần điều tra, xác minh làm rõ: Đó là nội dung mà KSV phát hiện qua nắm, xử lý tin báo tội phạm, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng chưa được điều tra làm rõ như phát hiện đối tượng phạm tội, người làm chứng, vật chứng mới, hành vi phạm tội chưa được khởi tố, điều tra… Trong trường hợp này, tại bản yêu cầu điều tra, KSV phải nêu hoặc trích dẫn chứng cứ mới hoặc phát hiện điểm mới này thu thập từ đâu, nội dung như thế nào, những vấn đề gì cần điều tra, kết luận…trường hợp cần YCĐT áp dụng thhur tục tố tụng đặc biệt, thì KSV phải báo cáo Viện trưởng bằng văn bản nêu rõ căn cứ và đề xuất biện pháp áp dụng thủ tục đặc biệt.[2]
- Thứ tư, những yêu cầu Cơ quan điều tra phải kết luận: Điều 233 BLTTHS năm 2015 quy định “Kết luận điều tra trong trường hợp đề nghị truy tố”. So với BLTTHS năm 2003, Điều 163 thì có sự thay đổi lớn. Khi ban hành kết luận điều tra thì yêu cầu phải kết luận: Động cơ, mục đích phạm tội; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; lý do và căn cứ đề nghị truy tố tội danh, điều, khoản, điểm của BLHS được áp dụng. KSV phải hết sức chú ý nội dung này. Hiện nay, bản kết luận điều tra vụ án chỉ nêu diễn biến hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, hậu quả vật chất, đề nghị truy tố mà không nêu các nội dung trên. Mặt khác, có một số nội dung tuy BLTTHS không nêu Cơ quan điều tra phải kết luận, nhưng bản thân sự vật đó phải có kết luận như: Tại sao sử dụng chứng cứ này nhưng lại không sử dụng chứng cứ kia; sử dụng lời khai, căn cứ này nhưng lại không sử dụng lời khai kia; đối tượng phạm tội là một người, không phải nhiều người; căn cứ vào đâu để khẳng định hoặc bác bỏ vụ án có tổ chức hoặc không có tổ chức, có hành vi này nhưng không có hành vi kia; tội danh này, mà không phải là tội danh khác…
- Thứ năm, yêu cầu điều tra khi có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giai đoạn truy tố (quyết định trả hồ sơ kèm theo yêu cầu điều tra) hoặc yêu cầu điều tra khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong trường hợp này, KSV phải nghiên cứu kỹ các nội dung yêu cầu bổ sung của Tòa án và tài liệu có trong hồ sơ để tổng hợp đánh giá và đề ra yêu cầu điều tra cụ thể, rõ ràng từng nội dung nào còn thiếu cần xác minh làm rõ, nội dung nào còn mâu thuẫn cần thực hiện, nội dung nào đã được điều tra nhưng không làm rõ được để phối hợp cùng Điều tra viên khắc phục ngay những thiếu sót trong giai đoạn điều tra, đảm bảo việc điều tra vụ án được toàn diện, khách quan, nhanh chóng, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, hạn chế đền mức thấp nhật việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
 Với kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn phần nào để nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện bản yêu cầu điều tra, thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành quyền công tố trong điều tra vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu của ngành Kiểm sát và công cuộc cải cách tư pháp trong thời gian tới./.
 

[1] Xem điểm e khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015
[2] Xem điều 225 BLTTHS năm 2015

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Hân – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây