MỘT SỐ KHÓ KHĂN KHI ÁP DỤNG ĐIỀU 147 BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ MỘT CHỒNG

Thứ năm - 13/07/2017 05:36 3.879 0
Nguyễn Thị N, sinh năm 1983 và Nguyễn Thành T, sinh năm 1981, cùng trú tại ấp MT, xã TT, huyện ĐP, tỉnh BP là vợ chồng đã đăng ký kết hôn và chung sống với nhau từ năm 2008. Năm 2015, anh T sống chung với chị Trần Thị Diễm H, sinh năm 1979, hộ khẩu thường trú tại xã NB, huyện BĐ, tỉnh BP và sinh ra cháu Trần Thành L, sinh ngày 15/9/2016. Vì biết mối quan hệ ngoại tình của anh T nên ngày 07/02/2017 chị N làm đơn ly hôn gửi đến Tòa án nhân dân huyện ĐP yêu cầu được ly hôn với anh T.
Tòa án nhân dân huyện ĐP đã tiến hành thụ lý, lấy lời khai và xác minh đối với vụ án trên. Qua làm việc, anh T thừa nhận có sống chung với chị H và sinh được cháu L.
Anh T chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.
Tòa án nhân dân huyện ĐP đã có công văn gửi Viện kiêm sát nhân dân huyện ĐP để xem xét hành vi của Nguyễn Thành T có dấu hiệu của tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” hay không?
Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Mục 3, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001.
“Điểm 3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS)
3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
3.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
3.3. Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS.”.
Trường hợp này khi đối chiếu với Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 và Thông tư liên tịch số 01/2001 thì hành vi của Nguyễn Thành T chưa đủ yêu tố để cấu thành tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”. Bởi vì, việc anh T sống chung với chị Trần Thị Diễm H và sinh ra cháu L chỉ chứng minh việc anh T sống chung như vợ chồng với chị H. Thêm vào đó, anh T chưa bị xử lý hành chính về hành vi này. Bên cạnh đó, hành vi của anh T vẫn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng “Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...”. Khi phát hiện ra anh T ngoại tình và có con riêng, vợ anh T là chị N đã nộp đơn lên Tòa án để yêu cầu được ly hôn vơi anh T. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhận thấy có dấu hiệu của tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” nên đã làm công văn và gửi toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐP để xem xét dấu hiệu hình sự của vụ án hôn nhân gia đình. Có nghĩa vụ án ly hôn của anh T và chị N đang trong quá trình giải quyết, nên chưa có bản án hay quyết định của Tòa án giải quyết cho ly hôn. Do đó hậu quả “dẫn đến làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn” là chưa xảy ra.
Từ trường hợp trên cho thấy sự khó khăn trong việc áp dụng Điều 147 Bộ luật hình sự. Bởi trên thực tế có rất nhiều người đang có vợ, có chồng lại chung sống như vợ chồng với người khác và có con riêng, tài sản riêng nhưng do họ chưa bị xử lý vi phạm hành chính nên không thể khởi tố về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” được. Hành vi này cũng rất ít bị xử lý hành chính do gặp nhiều khó khăn trong việc giám định AND để xác định cha con, xác minh tài sản riêng của họ. Chi phí để thực hiện các hoạt động này khá cao và khá phức tạp nên ít được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết. Và khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình, một bên mới nộp đơn khởi kiện xin ly hôn. Tòa án thụ lý giải quyết nhưng chưa ra bản án hay quyết định cho ly hôn thì hậu quả “ly hôn” vẫn chưa xảy ra. Nên chưa đủ cơ sở để khởi tố tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”. Điều này làm cho hành vi “đang có vợ, có chồng lại chung sống như vợ chồng với người khác…”chưa được điều chỉnh xử lý một cách nghiêm minh, chưa đảm bảo được “chế độ hôn nhân một vợ một chồng” mà Nhà nước đang bảo vệ.
 Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước mỗi năm thụ lý khoảng 400 vụ án tranh chấp ly hôn, trong đó chủ yếu ly hôn do một bên có quan hệ ngoại tình nhưng việc khởi tố hình sự về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” trong 10 năm qua thì chưa có trường hợp nào xảy ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hà

Nguồn tin: VKSND huyện Đồng Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây