Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phướchttps://vksbinhphuoc.gov.vn/uploads/banners/logo-vks_2.png
Chủ nhật - 11/08/2019 23:2210.7400
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, có nhiều quy định liên quan đến chủ thể điều tra, chủ thể thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT) vụ án hình sự. Bộ luật này đã thay đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên (KSV), mở rộng thẩm quyền cho KSV nhằm nâng cao chất lượng THQCT và KSĐT vụ án hình sự không làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt tại khoản 4 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì bắt buộc KSV phải trực tiếp hỏi cung bị can.
Như vậy, tầm quan trọng của biện pháp hỏi cung bị can đó là một biện pháp điều tra công khai, trực diện đối với người có dấu hiệu tội phạm, nhằm xác định toàn bộ sự thật về hành vi phạm tội của họ và của đồng phạm, cũng như những vấn đề cần thiết khác mà bị can biết, là biện pháp nghiệp vụ không thế thiếu được trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời, là một khâu rất quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự.
1. Một số vấn đề cần lưu ý khi Kiểm sát viên hỏi cung bị can Thực tiễn hoạt động hỏi cung cũng nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp. Thông hường, người phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi. Đối với tội phạm về ma túy thì việc khai báo như thế nào khi bị bắt đã được các đối tượng phạm tội chuẩn bị kỹ. Lời khai trung thực, đầy đủ của bị can là chứng cứ rất có giá trị; ngược lại, lời khai gian dối, bịa đặt của bị can lại rất nguy hiểm vì có thể làm cho KSV hỏi cung nhận định sai sự thật, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, gây tổn thất cho xã hội và uy tính của Ngành. Theo đó, tầm quan trọng và tính chất phức tạp của hoạt động hỏi cung đòi hỏi KSV khi hỏi cung bị can ngoài lập trường, quan điểm vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sạch, còn phải nắm vững quy định pháp luật, nguyên tắc, phương pháp và chiến thuật, đồng thời, phải biết kiên trì bền bỉ, linh hoạt và mưu trí mới mong thu được thắng lợi. Do đó, trước khi hỏi cung bị can, KSV cần nắm vững một số các bước cơ bản sau: Thứ nhất, trước khi hỏi cung, KSV phải tiến hành những điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động hỏi cung được diễn ra thuận lợi như nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan đến vụ án bao gồm: Những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được từ biện pháp điều tra như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét, biên bản lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, kết quả giám định….; những tài liệu khác có liên quan như: Trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ, tài liệu về những vụ án do bị can đã gây ra trước đó, những tài liệu thu thập được từ những biện pháp trinh sát, phản ánh mối quan hệ mang tính chất tội phạm của bị can, những biểu hiện nghi vấn của bị can trước, trong và sau khi gây án; những tài liệu, chứng cứ thu thập được về những vụ án chưa được điều tra, khám phá mà KSV có cơ sở xác định bị can có liên quan. Để làm rõ quá trình nghiên cứu, KSV cần tổng hợp, phân loại tài liệu, căn cứ theo ý nghĩa từng loại tài liệu, chứng cứ đối với việc hỏi cung, đồng thời cần đối chiếu, so sánh, tìm ra những mâu thuẩn nếu có. Thứ hai, KSV cần nghiên cứu nhân thân của bị can như nghiên cứu những đặc điểm riêng về mặt xã hội hoặc có ý nghĩa về mặt xã hội của bị can, cụ thể: Tuổi, giới tính, nghề nghiệp, án tích (tái phạm, tái phạm nguy hiểm….), trình độ văn hóa, thái độ, những tài liệu về nhân thân, KSV có thể thu thập và nghiên cứu qua hồ sơ vụ án, trích lục tiền án, tiền sự của bị can. Ví dụ: Trước khi hỏi cung bị can từng có tiền án, tiền sự thì KSV cần phải nắm vững những tình tiết như: Thông qua công tác quản lý hồ sơ KSV cần phải đọc kỹ trích lục tiền án, tiền sự của bị can đã bị xử lý trước đây; thu thập lời khai của những người làm chứng, đặc biệt là người thân của bị can, những người từng làm việc, sinh sống với bị can để làm rỏ các mối quan hệ của bị can để xác định những vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung. Thứ ba, KSV phải lập kế hoạch bao gồm: Xác định vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung, những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như các tình tiết mà bị can biết liên quan đến vụ án, có thể là các tình tiết xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết về nhân thân người phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, tình tiết xác định tính chất, mức độ của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và những tin tức, tài liệu có ý nghĩa trong việc điều tra phòng ngừa tội phạm; dự kiến câu hỏi được đưa ra để bị can trả lời, những vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung và những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án và hành vi phạm tội của bị can; trên cơ sở những dự kiến chiến thuật hỏi cung trong từng tình huống có thể xảy ra như: Bị can thành khẩn khai báo, từ chối khai báo, khai báo gian dối…. Thứ tư, khi hỏi cung bị can KSV cần bình tĩnh lắng nghe lời trình bày của bị can; sau đó, trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã có để đưa ra những câu hỏi làm rỏ điều kiện, hoàn cảnh bị can phạm tội; yêu cầu bị can đưa ra những chứng cứ để chứng minh cho lời khai của bị can là có cơ sở. Nếu như lời khai của bị can mâu thuẫn với những chứng cứ đã có thì KSV cần tiến hành các thủ thuật giáo dục, thuyết phục, sử dụng mâu thuẩn, sử dụng những chứng cứ đấu tranh trực diện với bị can theo kế hoạch đã vạch ra buộc bị can khai báo đúng sự thật. Trong trường hợp bị can là đối tượng phạm tội giết người, ngoài ra còn cùng đồng phạm gây ra nhiều vụ cướp tài sản; tuy nhiên, khi hỏi cung thì bị can không khai ra đồng phạm. Gặp tình huống này KSV cần phải giáo dục, thuyết phục để bị can chuyển biến nhận thức, từ đó làm thay đổi thái độ khai báo của bị can. Theo đó, KSV phải nghiên cứu, nắm chắc tất cả những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án, hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm, những đặc điểm về nhân thân của bị can, nhất là những đặc điểm về tâm lý của bị can, thói quen của bị can, hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, tính chất và hành vi phạm tội của bị can gây ra. Trên cơ sở đó, xác định những nội dung biện pháp giáo dục, thuyết phục đối với bị can như: Hỏi bị can có cần sự giúp đỡ gì của KSV hay không? KSV chỉ cho bị can thấy hành vi của bị can là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng ở trong hoàn cảnh này sự sám hối vẫn không bao giờ muộn, KSV chỉ cho bị can thấy những hậu quả của bị can và đồng phạm gây ra cho những người bị hại và gia đình bị hại, qua đó làm cho bị can thấy ăn năn hối cải; KSV chỉ cho bi can thấy rằng cần thiết phải giúp đỡ đồng phạm để tránh cho đồng phạm những sai lầm nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, dẫn đến hậu quả như bị can phải gánh chịu ngày hôm nay. Để giúp đở đồng phạm, cách tốt nhất là bị can cần thành khẩn khai báo về đồng phạm; KSV cần khêu gợi ở bị can về những nguồn tình cảm ở gia đình, người thân, bạn bè của bị can về những kỷ niệm, những việc làm tốt đẹp trước đây bị can đã có hoặc thông qua người uy tín với bị can, người thân như: cha, mẹ, vợ, con…của bị can để họ trực tiếp tác động đến bị can thành khẩn khai báo. Khi tiến hành hỏi cung, nếu có đủ căn cứ để xác định bị can có thái độ mong muốn khai báo sự thật, KSV có thể nêu các câu hỏi yêu cầu bị can viết bản tự khai. Trong quá trình bị can viết bản tự khai, KSV không được đưa ra câu hỏi, trừ trường hợp KSV thấy bị can khai lan man về những tình tiết không có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra. Khi đó, KSV sẽ đề nghị bị can khai vào những tình tiết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra. Kiểm sát viên cần ghi lại những gì cần phải chú ý với lời khai của bị can và những câu hỏi đặt ra cho bị can trả lời sau này. Bởi vì, thực tiễn điều tra các vụ án hình sự cho thấy, thông thường bị can sau khi bị phát giác hoặc bị bắt giữ có người nhận tội ngay nhưng số này rất ít, còn phần lớn các đối tượng không nhận hoặc không chịu khai hết sự thật. Theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng, chỉ khi nào trong tư tưởng họ nhận thấy cần phải khai và khai hết thì khi đó bị can mới chịu khai hết sự thật. Còn nếu trong tư tưởng của bị can chưa thấy chuyển biến đến mức đó, thì dù chúng ta có dùng cách này hay cách khác, kể cả đưa ra chứng cứ, vạch ra mâu thuẩn thì cũng chỉ khai thác được một vài điểm bị can không đủ sức để che giấu. Thậm chí, có trường hợp gian dối hoặc bịa ra, gây rắc rối hoặc làm lạc hướng của KSV. Như vậy, muốn bị can thành khẩn khai báo thì KSV phải giải quyết tốt tư tưởng của bị can làm chuyển biến ý nghĩ từ chổ không muốn khai hoặc chỉ muốn khai một phần đến chổ khai hết sự thật. 2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỏi cung bị can của Kiểm sát viên Thứ nhất, KSV khi được phân công THQCT và KSĐT các vụ án hình sự phải xác định được vai trò, vị trí của mình theo quy định của BLTTHS; chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trong vụ án, đánh giá về những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, việc thu thập các tài liệu của Cơ quan điều tra có đúng trình tự, thủ tục tố tụng hay không? Xác định những vấn đề chưa được làm rõ, những vấn đề còn mâu thuẫn, những vấn đề còn bỏ ngỏ cần phải tiếp tục đấu tranh với bị can. Nắm rõ nội dung diễn biến của vụ án, đặc điểm vật chứng đã thu giữ; thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và phương thức che giấu tội phạm của bị can. Kiểm sát viên cần phải nắm rõ những thông tin về lai lịch của bị can, về những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ với các đối tượng trong đường dây tội phạm; xác định vai trò của bị can trong vụ án để KSV xây dựng nội dung kế hoạch tiến hành hỏi cung; Thứ hai, khi tiến hành hỏi cung bị can KSV phải luôn thận trọng trong những trường hợp bị can nhận tội, cũng như các trường hợp bị can không nhận tội, không khai báo hành vi phạm tội, đồng thời kêu oan. Khi bị can nhận tội thì những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng, bị hại, vật chứng đã thu giữ trong vụ án hay không? Đối với những bị can không nhận tội thì cũng phải xác định nguyên nhân không khai báo các chứng cứ chứng minh nhằm buộc tội bị can có đủ căn cứ không? Có đảm bảo tính khách quan đối với các chứng cứ để đưa ra buộc tội bị can không? Thứ ba, KSV phải nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với từng vụ án cụ thể để nhanh chóng và trực tiếp nắm được ngay từ đầu nội dung sự việc, đánh giá được đúng đắn những dấu hiệu tội phạm, có những yêu cầu đúng đối với việc giải quyết. Việc trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án của KSV trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can là để nắm vững nội dung vụ án và hành vi phạm tội của bị can; các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; áp dụng các Điều, khoản của Bộ luật Hình sự. Do vậy, trước khi hỏi cung bị can, KSV phải nghiên cứu đầy đủ và kỹ các lời khai, bản cung của bị can, bị hại, của những người tham gia tố tụng khác và các tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án để xây dựng bản kế hoạch trước khi hỏi cung bị can. Thứ tư, trước khi lên kế hoạch hỏi cung bị can, Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện phải yêu cầu KSV báo cáo cụ thể, chi tiết nội dung của vụ án, của từng chứng cứ, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để lãnh đạo, chỉ đạo chi tiết từng vấn đề trong kế hoạch hỏi cung bị can, nhằm đảm bảo bản hỏi cung bị can của KSV đạt kết quả và có những biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm và làm oan người không phạm tội. Thứ năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường xây dựng các chương trình bồi dưỡng, mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hỏi cung bị can cho KSV để nắm vững kỹ năng của KSV khi hỏi cung bị can. Tài liệu tham khảo: 1.Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; 2.BLTTHS năm 2015; 3.Quy chế tạm thời về công tác THQCT, KSĐT các vụ án hình sự Ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Tác giả bài viết: Lê Văn Quang - Viện KSND huyện Lộc Ninh
Nguồn tin: Tạp chí kiểm sát số 15/2019
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!