CHẾ ĐỊNH ĐẠI DIỆN THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Thứ hai - 10/07/2017 05:12 7.907 0
    Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật này có khá nhiều quy định mới liên quan đến chế định đại diện, ủy quyền – vốn là một mảng pháp luật có khá nhiều tranh chấp.
    BLDS 2015 đã chính thức cho phép một pháp nhân có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch cho mình. Khoản 1 Điều 134 BLDS 2015 quy định: Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đây là điểm mới đáng ghi nhận so với quy định cũ. BLDS 2005 dường như chỉ cho phép cá nhân là người đại diện cho cá nhân hay pháp nhân khác.
Về phạm vi đại diện, theo khoản 3 Điều 141 BLDS 2015 thì phạm vi đại diện được mở rộng hơn so với quy định tại BLDS 2005, theo đó “một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 137 BLDS 2015 thì “một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này”. Việc quy định cho phép một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật của BLDS 2015 đã đảm bảo sự tương thích với quy định của Luật doanh nghiệp 2014 trong việc quy định công ty TNHH và công ty cổ phần “có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.” Sự tương thích giữa quy định của luật chung và luật chuyên ngành trong trường hợp này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thực hiện quyền của mình một cách thuận lợi hơn, cho phép các đại diện theo pháp luật của pháp nhân khi tham gia vào một giao dịch dân sự sẽ dễ dàng hơn khi xác định quyền đại diện và phạm vi đại diện của mình, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên.
    BLDS 2015 cũng bổ sung điều khoản loại trừ trong trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp: Người được đại diện đồng ý; Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện (khoản 1 Điều 143 BLDS 2015).

Tác giả bài viết: Cao Đăng - P8

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây