Bình Phước tiếp tục giãn cách xã hội từ 16-4 đến hết ngày 22-4-2020

Thứ tư - 15/04/2020 21:00 2.278 0

hình minh họa

hình minh họa
Ngày 15-4, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã ký điện khẩn số 1051/ĐK-UBND về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Điện khẩn nêu rõ: Chiều ngày 15-4-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và đưa ra các quyết sách mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Bình Phước là một trong 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh điện khẩn và yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhân dân trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
 
Áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người, giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16-4-2020 đến hết ngày 22-4-2020, gồm:
 
Hạn chế ra khỏi nhà; khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2m; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
 
Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế thực sự cần thiết phải tổ chức: Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định và thực hiện theo hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
 
Dừng triệt để các lễ hội, nghi lễ tôn giáo. Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các hoạt động tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, nhà truyền thống... trên địa bàn tỉnh.
 
Về các hoạt động kinh doanh tiếp tục dừng, điện khẩn nêu rõ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sau: karaoke; mát-xa - xông hơi; cơ sở bấm huyệt; cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; rạp chiếu phim; quán bar; vũ trường; đại lý internet; điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; trò chơi có thưởng; phòng trà ca nhạc; câu lạc bộ hát với nhau; các cơ sở luyện tập gym, thể dục thể thao, hồ bơi; điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Các hoạt động bán hàng rong, mua bán trên lòng đường, hè phố. Yêu cầu người dân đến bán hàng tại chợ.
 
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và một số loại hình kinh doanh sau đây được tiếp tục hoạt động song phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp kèm theo, gồm: Quán cà phê, giải khát, nhà hàng ăn uống, quán ăn: chỉ được mở cửa bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi, không sử dụng dịch vụ tại chỗ; đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 2m; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; ghi chép toàn bộ thông tin người ra vào (họ tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ); thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiệm cắt tóc, uốn tóc, cửa hàng kinh doanh máy tính, điện thoại, trang thiết bị công nghệ thông tin và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm; siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; chợ, tạp hóa, thuốc chữa bệnh, cửa hàng xăng dầu, gas, khí đốt; dịch vụ bưu chính, viễn thông: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế; bố trí nhân viên điều tiết số lượng khách hàng ra vào đảm bảo không quá 10 người trong cùng một thời điểm; đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 2m; ghi chép toàn bộ thông tin người ra vào (họ tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ).
 
Đối với các cửa hàng kinh doanh máy tính, điện thoại, trang thiết bị công nghệ thông tin và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm; siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi: khuyến khích sử dụng dịch vụ trực tuyến, giao hàng tận nơi.
 
Nhà máy, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; công trình giao thông, xây dựng; đại lý, cửa hàng kinh doanh máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ, điện, nước... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
 
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế bố trí cán bộ, cập nhật số liệu theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thành lập đội truy vết để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan có giải pháp phòng, chống dịch kịp thời để giảm mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh do các yếu tố chủ quan trên địa bàn.
 
Phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan đảm bảo việc người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện việc phân loại, khám sức khỏe tại nhà cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền trên địa bàn tỉnh.
 
Tiếp tục phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường việc phát hiện sớm, phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, xác định các trường hợp tiếp xúc có liên quan, thực hiện cách ly y tế để kịp thời khoanh vùng dập dịch. Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm các chùm ca bệnh hội chứng cúm tại cộng đồng, viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm và khoanh vùng dập dịch. Triệt để nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
 
Ban quản lý Khu Kinh tế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra, giám sát, yêu cầu các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
 
Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh, taxi. Hạn chế tối đa phương tiện cá nhân, hạn chế việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ tỉnh đến các vùng có dịch, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Việc thực hiện đưa rước công nhân thực hiện theo chỉ đạo tại điểm a, mục 1, Công văn số 798/UBND-KGVX ngày 30-3-2020 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh hoạt động vận chuyển hành khách phòng, chống Covid-19. Thời gian thực hiện: Từ 0 giờ ngày 16-4-2020 cho đến khi có chỉ đạo mới của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên cập nhật và đề xuất triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
 
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh), cửa khẩu phụ (Tân Tiến) từ 0 giờ ngày 16-4-2020 cho đến khi có chỉ đạo mới; tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới với Campuchia. Phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư; tất cả người nhập cảnh từ Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư; tiếp tục khóa chặt không để nguồn lây xâm nhập qua đường nhập cảnh, thực hiện quyết liệt việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch (khi xảy ra tình huống).
 
Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
 
Tiếp tục duy trì phương án phối hợp sử dụng lực lượng, phương tiện chốt chặn, kiểm soát trên địa bàn tỉnh Bình Phước để phòng, chống dịch Covid-19 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Văn bản số 827/PA(CA-QS-BP-YT); bổ sung lực lượng thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải tại 3 chốt: Chốt 1 tại QL14 (Thọ Sơn, Bù Đăng đi ĐắkR’ Lấp, Đắk Nông); chốt 2 tại ĐT741 (Tân Lập, Đồng Phú đi Phú Giáo, Bình Dương); chốt 3 tại QL13 (Thành Tâm, Chơn Thành đi Bến Cát, Bình Dương). Tiếp tục duy trì các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện đến hết ngày 22-4-2020.
 
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo tại mục 1, Điện khẩn này và các quy định khác có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
 
Vận động người đến từ hoặc đi qua 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh quay trở về, không đi vào địa phận tỉnh Bình Phước. Vận động người dân trong tỉnh không đi đến 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao nêu trên.
 
Về công tác truyền thông, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội để bảo đảm ổn định xã hội, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh. Phê phán, lên án các biểu hiện lơ là, chủ quan của người dân như tụ tập đông người, không mang khẩu trang ở nơi công cộng, chống người thi hành công vụ… Chủ động thông tin về kết quả điều trị, các ca tiến triển tốt, các ca mắc bệnh nặng để tránh hoang mang trong xã hội; thông tin nhiều hơn nữa về cách phòng tránh dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt trọng tâm nhóm người nước ngoài sinh sống và làm việc tại tỉnh; thông tin đến người dân trong và ngoài tỉnh biết, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Điện khẩn này của UBND tỉnh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt việc bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, đơn vị phân phối trên địa bàn có phương án bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; điều tiết, tăng lượng cung ứng nguồn hàng khi cần thiết, bình ổn thị trường trong mọi tình huống; triển khai các giải pháp hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức học trực tuyến và học qua truyền hình trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông báo về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 22-4-2020; chủ động cập nhật chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham mưu UBND tỉnh xem xét việc cho học sinh tiếp tục nghỉ học sau ngày 22-4-2020 (nếu cần).
 
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, bố trí không quá 50% nhân lực làm việc tại cơ quan. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến, họp online. Thời gian thực hiện đến hết ngày 22-4-2020. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và trong phạm vi quản lý; yêu cầu người đứng đầu các doanh nghiệp thuộc địa bàn, phạm vi quản lý phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp mình. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công trường xây dựng, tăng cường việc bảo hộ an toàn đối với công nhân, người lao động; quan tâm đến đời sống các đối tượng yếu thế.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nêu trên và tích cực tham gia, cập nhật khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền để nhân dân triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp tại điện khẩn này và các văn bản có liên quan; cưỡng chế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
 
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm việc nêu gương, tuyệt đối không tụ tập ngoài công sở, tiếp tục chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương và nhân dân nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì báo ngay với lãnh đạo cơ quan, đơn vị để xem xét, xử lý theo quy định.
 
Các nội dung trong Điện khẩn này được thực hiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 16/CT-TTg và có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
 

Nguồn tin: Theo báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây