Qua thực tế tìm hiểu nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, về pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng, nhận thấy còn nhiều nhận thức chưa chính xác, chưa hiểu đúng, dẫn tới nhiều vụ việc người dân đi kêu cứu, khiếu nại, kêu oan khắp nơi vì cho rằng bản thân họ bị oan, họ mới là người bị hại, họ mới là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông đường bộ, nhưng sao lại bị xử lý, buộc họ phải bồi thường về trách nhiệm dân sự cũng như phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do vậy hiểu thế nào cho đúng về vấn đề “Ai là người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông đường bộ” cần phải được luận bàn, phân tích thấu đáo để mọi người hiểu hơn. Chúng tôi xin có một số phân tích thông qua ví dụ một vụ tai nạn giao thông:
Anh B đang điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường thẳng, đúng phần đường dành cho xe mô tô thì bất ngờ ở bên trái đường có anh C điều khiển xe mô tô rẽ trái chuyển hướng ngang qua đường. Do ở khoảng cách gần, anh B không kịp xử lý để đạp phanh. Hậu quả là xe do anh B điều khiển đã va đụng vào phần hông bên phải xe mô tô do anh C điều khiển đang đi ngang sang đường, làm anh B tử vong, anh C bị thương phải vào điều trị nhiều tháng tại bệnh viện.
Trong vụ việc này, nếu hiểu theo cách hiểu thông thường thì anh B đã điều khiển xe va đụng vào xe của anh C (bánh trước xe của anh B đã va đụng thẳng vào hông bên phải xe của anh C). Như vậy, phải chăng anh B là người gây ra vụ tai nạn giao thông đường bộ làm cho anh C bị thương phải vào điều trị tại bệnh viện? Trong thực tế vẫn tồn tại quan điểm như thế, và khi có vụ tai nạn như trên thì người dân kéo nhau ra bắt anh B phải bồi thường (trường hợp anh B không chết).
Tuy nhiên, để hiểu được vụ tai nạn nêu trên ai là người có lỗi thì chúng ta phải hiểu được quy định, các quy tắc tham gia giao thông đường bộ, các khả năng hợp lý mà người tham gia giao thông có thể xử lý điều khiển được phương tiện, để từ đó mới xác định được chính xác ai là người có lỗi.
Anh B là người điều khiển xe mô tô trên đường thẳng (theo Điều 15 Luật Giao thông đường bộ thì người đi trên đường thẳng được quyền ưu tiên) nên được chạy với vận tốc tối đa mà pháp luật cho phép. Khi này nếu bất ngờ một ai đó băng ngang qua đường mà không quan sát thì anh B không thể nào kịp xử lý để đạp phanh (vì phản ứng của con người từ khi nhận được hình ảnh qua mắt, truyền vào tới não bộ, não bộ mới xử lý thông tin tình huống, đưa ra quyết định rồi mới phát tín hiệu truyền qua dây thần kinh tới cơ tay, cơ chân thực hiện hành vi phanh tác động đến má phanh để hãm tốc độ quay của bánh xe, thì cũng phải mất thời gian tính bằng giây (hay còn gọi là nguyên tắc 3 giây). Đồng thời để giảm tốc độ của một phương tiện giao thông thì dù có phanh ngay cũng cần phải có một quãng đường nhất định tuỳ theo tốc độ đang di chuyển của phương tiện để có dừng phương tiện đó lại hoàn toàn. Nếu vận tốc xe mô tô đang lưu thông với vận tốc 60km/1giờ tương đương với 16,67m/1giây. Tức là từ khi phát hiện đến khi anh B kịp đạp phanh thì xe mô tô của anh B đã di chuyển thêm ít nhất 16,67m. Có nghĩa là nếu anh C băng ngang đột ngột qua trước đầu xe mô tô của anh B trong phạm vi 16m thì xe của anh B chắc chắn sẽ va đụng vào xe của anh C). Trường hợp như trên, việc xử lý để tránh một vụ tai nạn giao thông là không thể đối với anh B. Và pháp luật xác định tình huống anh C băng qua đường đột ngột ở khoảng cách gần là sự kiện bất ngờ với anh B. Với sự kiện bất ngờ thì trong pháp luật hình sự- Điều 20 Bộ luật Hình sự, pháp luật dân sự- Điều 584 Bộ luật Dân sự, anh B không phải chịu trách nhiệm cả về hình sự lẫn trách nhiệm bồi thường dân sự cho thiệt hại của anh C trong vụ tai nạn giao thông. Quy định như vậy là phù hợp với khách quan. Chính vì thế mà Luật Giao thông đường bộ tại khoản 2 Điều 15 quy định “Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”. Tức là khi anh C muốn chuyển hướng băng qua đường, phải chú ý quan sát, nhường đường cho xe đi trên đường thẳng, ngược chiều, và chỉ được phép điều khiển xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác. Anh C băng qua đường đột ngột, không chú ý quan sát, không nhường đường là anh C đã đi sai quy tắc giao thông, vi phạm Luật giao thông đường bộ, là người có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông.
Như vậy, không phải cứ người tham gia giao thông bị phương tiện giao thông do người khác điều khiển va đụng vào thì họ là người bị hại. Mà người bị hại là người không có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông. Như trong ví dụ nêu trên thì người bị hại là anh B, người gây tai nạn lại là anh C, mặc dù xe của anh B va đụng vào ngang hông xe của anh C, anh C bị thương phải đi điều trị. Và trong trường hợp này lỗi có mối quan hệ nguyên nhân và hậu quả (gọi là mối quan hệ nhân quả) gây ra vụ tai nạn giao thông là lỗi của anh C đã không chấp hành đúng quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nên anh C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về hậu quả làm anh B tử vong.
Các trường hợp tương tự như trên mà gây ra hậu quả chết người cho người thứ ba là người ngồi trên xe mô tô do anh B hay anh C điều khiển, thì anh C cũng vẫn là người có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông và phải chịu trách nhiệm về hậu quả của vụ tai nạn giao thông. Trường hợp này anh B (nếu không chết) cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả của vụ tai nạn giao thông.
Những quy định, những phân tích tôi nêu trên, nếu là người am hiểu pháp luật, là người công tác trong lĩnh vực vực pháp luật thì chắc chắn đều hiểu rõ. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều người chưa biết hoặc bị kẻ xấu lợi dung danh nghĩa là người am hiểu pháp luật với các mục đích riêng mà cố tình cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật sai để mọi người hiểu sai về lỗi, trách nhiệm trong vụ tai nạn giao thông. Nên chúng tôi mong muốn qua bài viết này cung cấp một số thông tin pháp luật chính xác để mọi người hiểu đúng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về án toàn giao thông đường bộ nói riêng và không bị kẻ xấu lợi dụng, tiêm nhiễm những tư tưởng sai trái vào nhận thức để rồi có những quyết định sai lầm gây thiệt hại cho chính tài sản, tính mạng của bản thân./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!
Tôi mong được luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!