VƯỚNG MẮC TRONG XÁC ĐỊNH VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG, ÍT NGHIÊM TRỌNG VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Ths. Lê Văn Quang - VKSND Lộc Ninh
2020-06-14T21:54:04-04:00
2020-06-14T21:54:04-04:00
https://vksbinhphuoc.gov.vn/TRAO-DOI-NGHIEP-VU/VUONG-MAC-TRONG-XAC-DINH-VI-PHAM-NGHIEM-TRONG-IT-NGHIEM-TRONG-VE-THI-HANH-AN-DAN-SU-821.html
/themes/vks21/images/no_image.gif
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước
https://vksbinhphuoc.gov.vn/uploads/banners/logo-vks_2.png
Do chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là vi phạm nghiêm trọng, vi phạm ít nghiêm trọng trong giải quyết vụ việc thi hành án dân sự, để ban hành kháng nghị, kiến nghị, nên thực tiễn có nhiều cách hiểu khác nhau. Qua trao đổi một vụ việc cụ thể, tác giả để xuất sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về kiểm sát thi hành án dân sự.
1. Quy định của pháp luật về quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân về thi hành án dân sự
Kháng nghị là một trong nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự (THADS) nói riêng; được quy định tại các Điều 5, Điều 28 và Điều 30 của Luật tổ chức VKSND năm 2014; các Điều 12, Điều 64 Điều 160, Điều 161 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS); Điều 34 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ - VKSTC - V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 810).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5; khoản 8 Điều 28 Luật tổ chức VKSND năm 2014, VKSND có trách nhiệm phải kháng nghị đối với những hành vi và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cơ quan và người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của VKSND theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 160 và Điều 161 Luật THADS năm 2014, thời hạn kháng nghị của VKSND cùng cấp là 15 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị, Thủ trưởng Cơ quan THADS phải trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát; trường hợp chấp nhận kháng nghị thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng Cơ quan THADS phải thực hiện kháng nghị. Trong trường hợp không nhất trí với kháng nghị thì Thủ trưởng Cơ quan THADS phải báo cáo với Thủ trưởng Cơ quan THADS (hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự) cấp trên và VKSND cấp trên. Cơ quan THADS cấp trên phải xem xét, trả lời trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo.
Việc kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật THADS, thời hạn kháng nghị của VKSND cùng cấp là 07 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Như vậy, trách nhiệm của VKSND và Kiểm sát viên (KSV) khi ban hành kháng nghị trong việc phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động thi hành án dân sự là để thực hiện tốt quyền kháng nghị trong kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và trong kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự nói riêng để yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5; khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND 2014, trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp kháng nghị thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật THADS quy định: “Khi kiểm sát THADS, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.
Tại khoản 2 Điều 35 Quy chế 810 về công tác kiểm sát thi hành án dân sự quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị khi phát hiện vi phạm pháp Luật ở mức độ ít nghiêm trọng, tình trạng vi phạm lặp đi lặp lại hoặc có vi phạm pháp Luật nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị…..”
Đối với hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS tại Điều 30 Luật tổ chức VKSND 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật”.
Điều 159 Luật THADS quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS theo quy định của pháp luật. VKSND có kiến nghị đối với Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 5; khoản 7 Điều 28 Luật tổ chức VKSND 2014 và Quy chế 810 thì trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp kháng nghị thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
2. Vướng mắc trong xác định vi phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng về thi hành án dân sự
Mặc dù, các quy định về quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của VKSND về thi hành án dân sự đã rõ, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể trường hợp nào là vi phạm nghiệm trọng, trường hợp nào là vi phạm ít nghiêm trọng, dẫn đến có trường hợp VKSND phát hiện các vi phạm của cơ quan THADS nhưng khi ban hành kháng nghị không được chấp nhận vì cho rằng có vi phạm nhưng không nghiêm trọng mà chỉ cần ban hành kiến nghị để khắc phục.
Từ thực tiễn công tác kiểm sát THADS tác giả nêu lên một vụ việc cụ thể để bạn đọc cùng trao đổi:
Nội dung vụ việc:
Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự số 43/2017/ QĐST- DS ngày 13/10/2017, của Tòa án nhân dân huyện N công nhận sự thỏa thuận giữa ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ phải có nghĩa vụ trả cho ông Mai Văn H và bà Trương Thị N số tiền 190.000.000đồng.
Ngày 14/12/2017, ông Mai Văn H làm văn bản ủy quyền cho bà Lê Thị S được quyền làm đơn yêu cầu thi hành án; ngày 14/12/2017, Chi cục THADS huyện N nhận đơn yêu thi hành án của bà Lê Thị S; ngày 21/12/2017, Chi cục THADS huyện N ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu buộc ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ phải có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Mai Văn H số tiền 190.000.000đồng. Qua xác minh điều kiện thi hành án, thì ông Nguyễn Văn H, bà Phạm Thị Đ có tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 9994 m2, thửa số 328, tờ bản đồ số 00, vị trí thửa đất tọa lạc tại xã L, đất được UBND huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ. Quá trình thi hành án ông H và bà Đ không tự nguyện nên ngày 18/3/2019, Chi cục THADS huyện N ban hành quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản đối với thửa đất nêu trên.
Qua công tác kiểm sát, VKSND huyện N phát hiện một số vi phạm của Chi cục THADS huyện N như sau:
Thứ nhất, Chi cục THADS huyện N nhận đơn yêu cầu thi hành án của bà Lê Thị S và ban hành quyết định thi hành án buộc ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Mai Văn H số tiền 190.000.000 đồng là có vi phạm. Bởi vì, trong văn bản ủy quyền ngày 14/12/2017, chỉ có ông Mai Văn H ủy quyền cho bà Lê Thị S, còn bà Trương Thị N không có đơn yêu cầu thi hành án và cũng không có văn bản ủy quyền cho bà Lê Thị S nhưng Chi cục THADS huyện N lại ban hành quyết định thi hành buộc ông Nguyễn Văn H, bà Phạm Thị Đ trả cho ông Mai Văn H số tiền 190.000.000đồng.
Thứ hai, Chi cục THADS huyện N ra quyết định cưỡng chế, kê biên, tài sản là quyền sử dụng đất đã được đăng ký quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ. Nhưng Chi cục THADS huyện Lộc Ninh không yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N cung cấp thông tin về tài sản trước khi kê biên. Sau khi phát hiện VKSND huyện N đã ban hành kháng nghị yêu cầu thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Chi cục THADS huyện N. Qua vụ việc nêu trên, hiện đang có hai ý kiến trái chiều đó là,
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thực hiện quyền kháng nghị của VKSND đối với các quyết định về thi hành án dân sự phải có hậu quả xảy ra nghiêm trọng như: Đã tổ chức kê biên, cưỡng chế dẫn đến vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự. Theo đó, văn bản ủy quyền ngày 14/12/2017, chỉ có ông Mai Văn H ủy quyền cho bà Lê Thị S, còn bà Trương Thi N không có đơn yêu cầu thi hành án và cũng không có văn bản ủy quyền cho bà Lê Thị S và Chi cục THADS huyện N ra quyết định cưỡng chế, kê biên, tài sản là quyền sử dụng đất đã được đăng ký quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ. Nhưng Chi cục THADS huyện N không yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N cung cấp thông tin về tài sản trước khi kê biên. Đối với quyết định thi hành bản án đã hết thời hạn kháng nghị của VKSND huyện N nên chỉ cần ban hành kiến nghị để khắc phục. Còn đối với quyết định cưỡng chế có vi phạm nhưng Chi cục THADS chưa tổ chức kê biên, cưỡng chế để thi hành (chưa có hậu quả xảy ra) nên chỉ cần ban hành kiến nghị để Chi cục THADS huyện N khắc phục bằng hình thức bổ sung đơn yêu cầu thi hành án và văn bản ủy quyền của bà Trương Thị N; bổ sung văn bản của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N cung cấp thông tin về tài sản trước khi kê biên, cưỡng chế là đúng theo quy định của pháp luật.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả cho rằng:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì nội dung quyết định thi hành án phải đúng nội dung quyết định hoặc bản án của Tòa án đã tuyên và đã có hiệu lực pháp luật; quyết định thi hành án là căn cứ để lập hồ sơ thi hành án, đồng thời khi một quyết định thi hành án đã ban hành thì phát sinh quyền và lợi ích của người được thi hành án; người phải thi hành án và cũng là căn cứ để các đương sự có quyền khiếu nại, tố cáo, cơ quan có thẩm quyền kiến nghị hoặc kháng nghị khi phát hiện có vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, việc bà Trương Thi N không có đơn yêu cầu thi hành án và cũng không có văn bản ủy quyền cho bà Lê Thị S; nhưng Chi cục THADS huyện N lại ban hành quyết định thi hành buộc ông Nguyễn Văn H, bà Phạm Thị Đ trả cho ông Mai Văn H số tiền 190.000.000đồng là vi phạm, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Trương Thị N. Nhưng do hết thời hạn kháng nghị của VKSND huyện N nên chỉ ban hành kiến nghị để khắc phục bổ sung là đúng quy định.
Thứ hai, theo quy định của Luật THADS thì người phải thi hành án được thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án, tự nguyện giao tài sản để thi hành án. Nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không thi hành thì phải ra quyết định kê biên, cưỡng chế. Như vậy, quyết định kê biên, cưỡng chế để đảm bảo việc thi hành án là biện pháp nghiêm khắc nhằm ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc có hành vi khác nhằm trồn tránh việc thi hành án. Nhưng trước khi ra quyết định kê biên, cưỡng chế tài sản là quyền sử dụng đất đã được đăng ký quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ, thì Chi cục THADS huyện N phải làm thủ tục yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N cung cấp thông tin về tài sản trước khi kê biên (đây là thủ tục bắt buộc), nhưng Chi cục THADS huyện N không yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N cung cấp thông tin về tài sản trước khi kê biên là vi phạm nghiệm trọng (không thể cho rằng Chi cục THADS huyện N chưa tổ chức thực hiện là chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng như ý kiến thứ nhất), nên không thể sửa đổi, bổ sung được mà cần phải thu hồi. Bởi vì, đất đai là do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quản lý. Như vậy, tài sản quyền sử dụng đất đã được đăng ký quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ, nếu quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị Đ, đã được thế chấp hoặc đã chuyển nhượng cho người khác, nếu VKSND huyện N không ban hành kháng nghị yêu cầu Chi cục THADS huyện N thu hồi quyết định kê biên, cưỡng chế dẫn đến việc thực hiện quyết định kê biên, cưỡng chế không đúng quy định tại Điều 89 Luật THADS quy định kê biên, cưỡng chế tài sản là quyền sử dụng đất và Điều 98 Luật THADS quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên phải ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá… Như vậy, nếu trong trường hợp quyền sở hữu quyền sử dụng đất của ông H và bà Đ đã thế chấp hoặc chuyển nhượng cho người khác thì việc thực hiện quyết định kê biên, cưỡng chế của Chi cục THADS huyện N sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người cầm cố thế chấp hoặc người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, đây là nguyên nhân làm phát sinh khiếu kiện, gây lãng phí đến công sức và tiền bạc của Nhà nước hoặc trong trường hợp quá trình thực hiện quyết định kê biên, cưỡng chế người phải thi hành án cản trở, chống đối quyết liệt dẫn đến vi phạm pháp luật thì không thể xử lý hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc hành vi không chấp hành án. Do vậy, trong trường hợp này cần phải ban hành kháng nghị để Chi cục THADS huyện N thu hồi quyết định kê biên, cưỡng chế (để làm lại đúng quy trình), khắc phục những vi phạm nêu trên là đúng quy định. Bởi vì, vụ việc trên đang còn thời hạn kháng nghị của VKSND huyện N.
3. Một số kiến nghị
Từ những vướng mắc nêu trên, để việc nhận thức và áp dụng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định tại Quy chế số 810 đúng quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tác giả kiến nghị.
Thứ nhất, cần nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 160 Luật THADS năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 theo hướng: “Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đối với các trường hợp đã ban hành quyết định hoặc đã có hành vi vi phạm nếu mà đưa ra thi hành quyết định, hành vi đó dẫn đến gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án”.
Thứ hai, đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu sữa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 Quy chế số 810 theo hướng: “Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định và hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Thừa phát lại nếu đưa ra thi hành mà có vi phạm pháp Luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định có vi phạm pháp Luật trong việc thi hành án và trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; chấm dứt hành vi vi phạm pháp Luật theo Điều 28 và Điều 30 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Điều 12 và Điều 160 Luật THADS 2014”./.
Tác giả bài viết: Ths. Lê Văn Quang - VKSND Lộc Ninh
Nguồn tin: Tạp chí kiểm sát số 11/2020