Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tội phạm đánh bạc

Thứ ba - 09/04/2019 21:19 10.399 0
HOÀNG ĐÌNH DUYÊN ( Phòng Điều tra hình sự-Tổng cục Hậu cần-Bộ Quốc phòng) - Tapchitoaan.vn ngày 2/4/2019 có bài viết “Nhiều vướng mắc trong xử lý tội phạm đánh bạc” của tác giả Dương Tấn Thanh, qua nghiên cứu bài viết, tôi có một số quan điểm xin được trao đổi cùng tác giả và quý độc giả.
1.Đối với xử lý tiền thu được trên chiếu bạc nhưng không xác định được số tiền này là của ai cũng như số tiền thu được nhiều hơn số tiền các bị can đã khai báo.
Theo quy định tại Điều 14, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 BLTTHS..
Trong đó các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác thì mới được xem là chứng cứ buộc tội đối với bị can. Đối với lời khai của bị can, nếu không có tài liệu chứng cứ nào khác phản bác lại thì phải chấp nhận việc khai báo của bị can là đúng.
Theo khoản 2, Điều 89 BLTTHS quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” .
Như vậy đối với trường hợp cơ quan điều tra tố tụng không chứng minh được số tiền 3.500.000đ là của ai thì không phải là vật chứng của vụ án và số tiền này được xử lý theo hướng là tài sản vô chủ, tịch thu xung quy nhà nước theo quy định của pháp luật về tài sản vô chủ, như vậy theo quan điểm thứ 2 là đúng với quy định của pháp luật.
– Đối với trường hợp số tiền thu được nhiều hơn số tiền bị can khai báo: Trường hợp này bị can chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 321 BLHS. Đây không phải là theo hướng có lợi cho bị can mà tài liệu chứng cứ chỉ chứng minh được hành vi phạm tội của bị can theo khoản 1 Điều 321.
Tại chiếu bạc thu được số tiền, quá trình chứng minh không chứng minh được hết số tiền thu được của ai thì phải xác định là một hạn chế của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Ví dụ trong trường hợp số tiền thu tại chiếu mà không chứng minh được của bị can nào thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015.
2.Đối với trường hợp, một bị can làm cái cược với nhiều người khác như hình thức: Tài xỉu; bài Cào ba lá …?
Các nhà làm luật không thể dự liệu được hết các hình thức đánh bạc trên thực tế, nên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 không liệt kê các hình thức đánh bạc là Tài xỉu; nhưng về bản chất của Tài xỉu là đánh bạc với hình thức một người đánh với nhiều người, các người chơi chỉ đánh với chủ và không đánh với nhau, đây chính là hình thức cá độ được hướng dẫn tại khoản 5,  Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 ngày 22/10/2010 “Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… ”.
Do đó tổng số tiền thu giữ trên người các bị can là căn cứ để truy tố bị can.
 3.Đối với vấn đề xử lý số tiền thu giữ trong vụ án đánh bạc nhưng chứng minh được không dùng để đánh bạc.
 Việc xử lý vật chứng trong các giai đoạn tố tụng đã được quy định rõ tại khoản 3, Điều 106, BLTTHS năm 2015: “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó…”.
Như vậy trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nếu có đủ căn cứ xác định số tiền thu được không dùng mục đích đánh bạc, không phải là vật chứng thì phải trao trả ngay cho chủ sở hữu.
Nếu vụ án ngay từ đầu đã xác định số tiền đó không phải là vật chứng của vụ án mà không trao trả cho chủ sở hữu là vi phạm tố tụng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Trong vụ án đánh bạc, cơ quan điều tra huyện X thu giữ trên người bị can Nguyễn Văn A số tiền 3.500.000 đồng. Quá trình điều tra, chứng minh số tiền này, bị can A không dùng để đánh bạc là 3.000.000 đồng, còn 500.000 đồng bị can A khai dùng để đánh bạc nhưng chưa dùng hết. Hồ sơ vụ án sau đó, chuyển cho Tòa án huyện X. Trong đó, số tiền 3.000.000 đồng, cơ quan điều tra huyện X không xử lý trả lại cho bị can A.
Tại trường hợp này ở giai đoạn điều tra, truy tố, Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát không xử lý thì đến giai đoạn xét xử Hội đồng xét xử Tòa án huyện X phải xử lý với hình thức trao trả cho A số tiền 3.000.000đ
 4.Tiền thu được trong vụ án đánh bạc không phải giám định.
Trong vụ án đánh bạc mà tiến hành trưng cầu giám định tiền thu được tại chiếu bạc theo quan điểm của chúng tôi là không phù hợp và không cần thiết vì:
 Thứ nhất: Động cơ mục đích của các đối tượng đánh bạc là để ăn thua về tiền, nếu đánh bạc mà không có mục đích ăn thua về tiền, bạc hoặc vật có giá trị thì không phạm tội đánh bạc.
Nếu tiến hành giám định mà “tiền” thu được tại chiếu bạc là tiền giả thì quá trình tố tụng; Các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng trước đó sẽ như thế nào? (thông thường các đối tượng đánh bạc bị bắt quả tang sẽ áp dụng biện pháp tạm giữ trong khi đó kết luận giám định phải 3-5 ngày sau mới có kết quả).
Như vậy việc giám định tiền trong trường hợp này là không cần thiết.
 Thứ hai: Theo quy định của BLTTHS năm 2015 các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được tại Điều 206, trong đó khoản 5 quy định: “Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ”.
Như vậy theo quy định trên thì không có quy định nào là vật chứng của vụ án là “tiền” thì bắt buộc phải trưng cầu giám định, quy định là “tiền giả” thì mới bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Thứ ba: Trong vụ án hình sự việc chứng minh xác định sự thật của vụ án phải có điểm dừng. Vấn đề này thuộc về phạm vi giới hạn chứng minh trong vụ án hình sự: Trong vụ án hình sự chỉ cần xác định được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cần thiết chứng minh cho những đối tượng cần phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Như vậy có thể nói, những “vướng mắc” mà tác giả Dương Tấn Thanh phản ánh, theo tôi không khó để tháo gỡ, vì đã được quy định trong luật.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc 
 

Tác giả bài viết: Quốc hân

Nguồn tin: Tạp chí Toà án

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
Hoàng Kim Panelbanner kiemsat2vks1
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay4,796
  • Tháng hiện tại244,892
  • Tổng lượt truy cập15,992,457
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây