Những vấn đề về thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án kinh doanh thương mại của Tòa án

Thứ tư - 10/04/2019 03:01 10.959 0
Chứng cứ và chứng minh vừa là quyền, vừa là nghĩa của đương sự trong vụ trong tố tụng dân sự. Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) quy định quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp để Tòa án có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại. Đồng thời, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý trong các phán quyết của mình, Bộ luật TTDS cũng quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ để làm căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định các yêu cầu hay phản tố của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự thì nghĩa vụ chứng minh trước tiên thuộc về đương sự, sau đó là trách nhiệm thu thập chứng cứ từ phía Tòa án. Từ đó mới có thể làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; đảm bảo giá trị pháp lý từ các phán quyết của tòa án, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tuy nhiên, chứng cứ và chứng minh làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án dân sự không phải là điều đơn giản, cũng không chỉ là hoạt động cung cấp và thu thập chỉ từ phía đương sự và Tòa án mà cần có sự phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cần có sự nhận thức cũng như xác định một cách đầy đủ, thống nhất về vấn đề chứng cứ, chứng minh của những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Thực tiễn chứng minh rằng, sự nhận thức không đúng đắn, không thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ các vụ án dân sự bị hủy, sửa ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được bảo vệ đầy đủ mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nói riêng và sức mạnh của công lý nói chung.
Thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự trong đó có việc tham gia các phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND thị xã Phước Long phát hiện có nhiều vụ án Tòa án chưa nhận thức thống nhất về chứng cứ cũng như chưa có sự thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh trong vụ án. Đặc biệt nhấn mạnh đến vi phạm trong vụ án kinh doanh thương mại: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo Thông báo thụ lý số 13/2018/TBTL-KDTM ngày 16/8/2018, giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Đại diện theo ủy quyền: Phạm Thành Công – Chuyên viên xử lý nợ KHCN – VPBank AMC.
Bị đơn: Nguyễn Tấn Phong – sinh năm 1974
Trần Thị Ngọc Lan – sinh năm 1977
Cùng thường trú tại: khu phố Long Điền 1, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Để đảm bảo cho việc kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự có căn cứ và đúng pháp luật,
Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án do Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Phước Long chuyển sang, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) thị xã Phước Long xét thấy TAND thị xã Phước Long đã thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp để làm căn cứ giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:
- Về xác định chứng cứ: Nội dung đơn khởi kiện ngày 14/8/2018 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (gọi tắt là Ngân hàng) cho rằng do ông Phong, bà Lan không thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng tín dụng LN1611290003338/PNT/HDTD ký ngày 09/12/2016 và khế ước nhận nợ  số 01/ LN1611290003338/PNT/HDTD ký ngày 12/12/2016 nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông Phong, bà Lan thanh toán 01 lần số nợ gốc, lãi quá hạn tạm tính đến ngày 14/8/2019 là 810.936.971 đồng. Nếu ông Phong, bà Lan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền kê biên, phát mãi tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp xe ô tô số LN1611290003338/PNT/HDTD ký ngày 09/12/2016.
Theo đó, Ngân hàng đã nộp cho TAND thị xã Phước Long các tài liệu, chứng cứ: Hồ sơ pháp nhân VPBank; khế ước nhận nợ; hợp đồng tín dụng; hợp đồng thế chấp tài sản theo Thông báo thụ lý số/2018/TLST-KDTM ngày 16/8/2018 của TAND thị xã P.
hước Long. Đồng thời, phía Ngân hàng cũng cung cấp cho Tòa án sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng ông Phong, bà Lan. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ nêu trên Viện KSND thị xã Phước Long nhận thấy toàn bộ các tài liệu, chứng cứ do ngân hàng giao nộp đều là bản sao không có công chứng, chứng thực hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận mà chỉ có đóng mộc của Ngân hàng là không đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật TTDS. Do đó, các tài liệu trên không có giá trị chứng minh, không đảm bảo tính khách quan nên không được coi là chứng cứ làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp theo quy định tại Điều 93, khoản 1 Điều 94 Bộ luật TTDS.
- Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
+ Căn cứ vào hợp đồng tín dụng (HĐTD) ngày 09/12/2018 mà Ngân hàng cung cấp thì số tiền ông Phong, bà Lan vay của ngân hàng là 992.000.000 đồng, thời hạn vay là 60 tháng tính từ ngày giải ngân vốn đầu tiên, phương thức là cho vay trả góp (Điều 1 HĐTD). Tại khoản 5 Điều 1 khế ước nhận nợ ngày 12/12/2018 xác định thời hạn vay tính từ ngày 12/12/2016 đến ngày 12/12/2021. Việc trả nợ gốc tính theo định kỳ 01 tháng/01 lần vào ngày 12, kỳ trả nợ gốc đầu tiên tính từ ngày 12/01/2017, mỗi kỳ thanh toán 16.540.000 đồng (khoản 8,9 Điều 1 Khế ước).
+ Tại khoản khỏan 1 Điều 6 HĐTD cũng nêu rõ các trường hợp ngân hàng thu hồi toàn bộ dư nợ vay còn lại của bên vay trước thời hạn, trong đó điểm a khoản 1 Điều này quy định: “Bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bất kỳ một Kỳ trả nợ gốc, Kỳ trả nợ lãi theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng này và (các) Khế ước nhận nợ”
+ Tại đơn khởi kiện ngày 14/8/2018, Ngân hàng yêu cầu Tòa án tuyên buộc ông Phong, bà Lan thanh toán số nợ gốc trong hạn 760.440.000 đồng + lãi trong hạn và lãi quá hạn tạm tính đến hết ngày 14/8/2018 là 50.496.971 đồng, tổng cộng là 810.936.971 đồng. Lí do phía ngân hàng đã nhiều lần yêu cầu ông Phong, bà Lan thanh toán nợ gốc và lãi vay quá hạn cho ngân hàng nhưng ông Phong, bà Lan vẫn không thực hiện thanh toán nợ đến hạn.
Tuy nhiên, ngân hàng đã không cung cấp cho Tòa án các chứng cứ chứng minh rằng ông Phong, bà Lan cố tình không thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng, bởi việc ông Phong bà Lan vay hình thức trả góp định kỳ hàng tháng, thời hạn vay đến năm 2021, mặc khác so với số tiền vay theo HĐTD là 992.000.000 đồng và số nợ gốc ngân hàng yêu cầu theo đơn khởi kiện là 760.440.000 là có sự chênh lệch chưa thể hiện việc ông Phong, bà Lan đã thanh toán cho ngân hàng số nợ gốc theo HĐTD hay không; đồng thời cũng không cung cấp bản sao kê làm căn cứ tính lãi theo hợp đồng mà các bên đã cam kết. Do đó, không đủ cơ sở chứng minh rằng quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng bị xâm phạm cần bảo vệ theo quy định tại Điều 186 Bộ luật TTDS.
- Về xác định quan hệ tranh chấp: Tại thông báo thụ lý số 13 ngày 16/8/2018, tòa án xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại (KDTM). Tuy nhiên, không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh ông Phong, bà Lan là những cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và nhằm mục đích lợi nhuận theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật TTDS và Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TAND tối cao nên chưa thể xác định đây là tranh chấp kinh doanh, thương mại hay tranh chấp về dân sự.
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án để nghiên cứu tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên, Viện KSND thị xã Phước Long đã nhanh chóng ban hành Công văn yêu cầu Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ bổ sung và hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát có cơ sở đánh giá phát biểu quan điểm đường lối giải quyết nội dung vụ án.
Từ bất cập, thiếu sót trong vụ án trên, chúng tôi thiết nghĩ trong quá trình nghiên cứu giải quyết nội dung vụ án, Viện kiểm sát cần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát các vụ án dân sự về cả tố tụng và nội dung nhằm thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị của ngành kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, đồng thời nâng cao uy tín, vị thế của Ngành kiểm sát trong hệ thống chính trị và bảo vệ niềm tin của quần chúng nhân dân đối với ngành kiểm sát.
Thông qua vụ án nêu trên, chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi, đóng góp ý kiến của các đồng chí, đồng nghiệp hai cấp của Viện KSND tỉnh Bình Phước để giúp chúng tôi thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm sát trong tố tụng dân sự của mình.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguồn tin: Viện KSND thị xã Phước Long

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây