Bàn về nhiều lần xâm phạm tài sản dưới mức tối thiểu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ tư - 15/04/2020 22:49 6.016 0

hình minh họa

hình minh họa
Trong thực tiễn thi hành pháp luật hình sự có một số khó khăn vướng mắc về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng mà mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001, chúng tôi đưa ra để cùng các đồng nghiệp thảo luận, mong nhận được sự đóng góp, trao đổi ý kiến của các đồng chí về quan điểm giải quyết vụ án.
Tại Tiểu mục 5, mục II thông tư số 02 ngày 25/12/2001 quy định như sau:
“5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.
c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng”.
Như vậy theo nội dung hướng dẫn trên thì trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự … thì phải đáp ứng một trong ba điều kiện trên. Tuy nhiên thực tế có một vụ án như sau:
Do có mâu thuẫn trong việc khai thác mua bán mủ cao su nên khoảng 22 giờ ngày 30/5/2019 ông Võ Văn A đi đến vườn cao su của ông Nguyễn Văn B đập vỡ 300 cái tô sành đựng mủ cao su, đến khoảng 23 giờ cùng ngày 30/5/2019 ông A không đập nữa và đi về nhà ngủ. Đến khoảng 6 giờ sáng ngày 31/5/2019 ông A tiếp tục đến vườn cao su đập vỡ thêm 300 cái tô sành của ông B. Sau khi biết được sự việc ông B trình báo đến Cơ quan Công an. Quá trình khám nghiệm hiện trường xác định có 600 cái tô sành đựng mủ cao su bị đập vỡ hoàn toàn.
Theo kết luận định giá tài sản: 600 cái tô sành đựng mủ cao su có giá trị là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng)

Như vậy nếu xét hành vi của ông Võ Văn A là thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian theo Điểm a Tiểu mục 5 Mục II của Thông tư thì cũng không thỏa đáng vì ông A không thực hiện hành vi liên tục mà có thời gian về nhà nghỉ ngơi, đến sáng hôm sau ông A mới tiếp tục thực hiện hành vi; xét về mặt thời gian hành vi được thực hiện vào 02 ngày khác nhau nên cũng khó xác định được hành vi của đối tượng có kế tiếp nhau về mặt thời gian hay chưa.
Nếu xét theo quy định theo Điểm b Tiểu mục 5 Mục II của Thông tư, hành vi có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính thì cũng không phù hợp.
Nếu xét theo quy định theo Điểm c Tiểu mục 5 Mục II của Thông tư là với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần. Như vậy lưu ý ở đây là phải do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên phải thực hiện nhiều lần, nhưng trong vụ án cụ thể này đối tượng thực hiện hành vi không do điều kiện hoàn cảnh khách quan mà do ý chí chủ quan, tức là đối tượng tự ý chấm dứt hành vi xâm hại, không có ai ngăn cản. Như vậy việc đối tượng thực hiện hành vi diễn ra nhiều lần khác nhau là do ý chí chủ quan chứ không phải là do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên nếu áp dụng Điểm c Tiểu mục 5 Mục II của Thông tư cũng không phù hợp.
Do Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 chưa hướng dẫn cụ thể như thế nào được xem là hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; đồng thời chưa hướng dẫn cụ thể trường hợp nếu người phạm tội thực hiện hành vi mang ý chí chủ quan, cùng xâm hại một loại tài sản và cùng một địa điểm mà mỗi lần xâm phạm đều dưới 2.000.000 đồng thì có phải lấy tổng giá trị bị thiệt hại làm căn cứ để xử lý hình sự hay không nên dẫn đến có nhiều cách hiểu và nhận thức khác nhau đối với vụ án nêu trên. Trên thực tế nhiều địa phương cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng mà mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 như đã phân tích ở trên.
Đối với vụ án cụ thể trên, quá trình giải quyết cũng có 02 quan điểm khác nhau và chưa có hướng xử lý thống nhất:
Quan điểm thứ 1: Hành vi trên của ông Võ Văn A không đủ yếu tố cấu thành tội  “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015 vì:
- Hành vi của đối tượng thực hiện không liên tục và cũng không kế tiếp nhau về mặt thời gian; hành vi diễn ra vào 02 ngày khác nhau, có sự gián đoạn về thời gian. Do đó không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông A.
- Hành vi được thực hiện không do điều kiện hoàn cảnh khách quan mà do ý chí chủ quan, đối tượng tự ý chấm dứt hành vi xâm hại, không có ai ngăn cản, sau đó đối tượng về nhà ngủ, đến sáng ngày hôm sau mới tiếp tục hành vi đập phá nên không không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông A.
Qua điểm thứ 2: Hành vi trên của ông Võ Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội  “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015 vì: Hành vi của đối tượng tuy thực hiện vào hai ngày khác nhau nhưng cùng một hành vi, cùng xâm hại một loại tài sản và cùng một địa điểm nên hành vi trên của ông A được coi là liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian nên phải lấy tổng giá trị thiệt hại số tô bị đập vỡ làm căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Võ Văn A
Theo quan điểm của cá nhân tác giả: Về bản chất hành vi của đối tượng tuy diễn ra vào 02 ngày khác nhau, có sự gián đoạn về mặt thời gian nhưng sự gián đoạn đó không lâu và liền kề nhau. Hành vi của đối tượng là cùng xâm phạm một loại tài sản và cùng một địa điểm. Điều này chứng tỏ mục đích và ý chí chủ quan của đối tượng là muốn hủy hoại tất cả 600 cái tô sành của ông B, do đó cần phải lấy tổng giá trị tài sản bị thiệt hại làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Trên đây là một số khó khăn vướng mắc về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng mà mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 mà thực tế các đơn vị chưa có hướng xử lý thống nhất. Thông qua bài viết này mong nhận được sự đóng góp, trao đổi ý kiến của các đồng chí và bạn đọc về quan điểm giải quyết vụ án.

Tác giả bài viết: Dương Sáu

Nguồn tin: VKSND huyện Hớn Quản

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
kiem sat online
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay7,339
  • Tháng hiện tại53,423
  • Tổng lượt truy cập12,322,221
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây