Bàn về nhận dạng trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

Thứ bảy - 23/02/2019 10:28 4.834 1
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên quy định về các hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền được thực hiện khi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố (sau đây gọi tắt là tin báo). Thực tiễn, việc nhận dạng trong giai đoạn này còn nhiều ý kiến chưa thống nhất từ nhận thức đến quá trình áp dụng.
1. Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

...

“ 3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.”

Theo quy định này, khi giải quyết tin báo, cơ quan có thẩm quyền được quyền tiến hành 4 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản) và 01 loại hoạt động mang tính chất định hướng (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn về việc cơ quan có thẩm quyền được tiến hành những hoạt động cụ thể nào để “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”. Liệu theo nguyên tắc bảo đảm pháp chế trong tố tụng hình sự, trong quá trình giải quyết tin báo, những thông tin, tài liệu, đồ vật thu thập ngoài 04 biện pháp đã được liệt kê như nêu trên có đảm bảo giá trị pháp lý hay không? (Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định). Ngoài hoạt động phổ biến, buộc phải thực hiện trong hầu hết quá trình giải quyết tin báo là triệu tập, lấy lời khai; việc có được thực hiện một số hoạt động khác như đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói… hay không còn gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó, đáng chú ý có hoạt động nhận dạng, hiện đang có nhiều cách hiểu khác nhau giữa quy định chung và quy định cụ thể.

“Điều 110. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.”

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi giải quyết tin báo, nếu “người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bản chất của việc thực hiện quy định này chính là hoạt động nhận dạng.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nhất thiết phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế theo quy định tại Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, ngoài các hoạt động cụ thể được liệt kê tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện hoạt động nào khác để kiểm tra, xác minh nguồn tin. Như vậy là có mâu thuẫn giữa quy định chung tại Điều 147 và quy định cụ thể để thực hiện căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Quan điểm thứ 2 cho rằng, vì Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có quy định theo hướng mở, cho phép cơ quan có thẩm quyền được “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin” nên một số hoạt động cần thiết để thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật hoàn toàn có thể được tiến hành (trừ trường hợp Điều luật cụ thể quy định khác). Làm như vậy cũng không vi phạm nguyên tắc pháp chế tại Điều 7 vì đã có căn cứ pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 147). Theo đó, giữa Điều 147 và Điều 110 BLTTHS năm 2015 không có mâu thuẫn.

Cá nhân tôi cho rằng, trường hợp này, khi chưa có hướng dẫn cụ thể, trong quá trình giải quyết tin báo, hoàn toàn có thể thực hiện việc cho nhận dạng, nếu có đủ các căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015. Bởi lẽ, về cơ sở pháp lý, do điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ các căn cứ để thực hiện, cũng không thuộc trường hợp điều luật chung cấm không cho phép làm nên không loại trừ nhau. Ngoài ra, tuy Điều 147 không liệt kê nhận dạng như một hoạt động cụ thể được tiến hành để giải quyết tin báo nhưng vẫn có những quy định liên quan gián tiếp thể hiện vấn đề này.

Ví dụ như điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 quy định về quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như sau:

“Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

...

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;”

Theo quy định này, có thể hiểu, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói trong quá trình giải quyết tin báo.

Trên cơ sở nghiên cứu quy định mới của pháp luật, tôi nêu ra quan điểm cá nhân về việc xử lý tình huống nêu trên, rất mong nhận được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.

Tác giả bài viết: theo kiemsat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây