Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Cao Đăng
2016-11-21T04:10:48-05:00
2016-11-21T04:10:48-05:00
https://vksbinhphuoc.gov.vn/Kiem-sat-vien-viet/Thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-kiem-sat-thi-hanh-an-treo-285.html
/themes/vks21/images/no_image.gif
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước
https://vksbinhphuoc.gov.vn/uploads/banners/logo-vks_2.png
“Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú tại địa phương” là chương trình đột phá năm 2016 của toàn ngành theo Chương trình số 02/Ctr-VKSTC-V8 ngày 15/01/2016 của Viện kiểm sát nhân dân(VKSND) tối cao. Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Còn cải tạo không giam giữ là một trong số bảy hình phạt chính của pháp luật hình sự Việt Nam. Việc quy định hình phạt cải tạo không giam giữ và chế định án treo là sự thể chế hóa chủ trương, chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Qua một năm thực hiện chương trình đột phá thấy vấn đề kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ là một nội dung quan trọng góp phần tích cực đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật thi hành án hình sự.
Thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ có đặc điểm chung là người bị kết án không bị tập trung tại Trại giam, Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ để chấp hành một hay nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành án mà được thi hành án tại địa phương nơi cư trú. Người chấp hành án phải thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết trong quá trình chấp hành án và chịu sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương với tư cách là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. VKSND là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong kiểm sát việc thi hành án hình sự, trong đó gồm cả thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, đảm bảo hoạt động thi hành án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Qua theo dõi công tác kiểm sát thi hành án hình sự thấy rằng công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ cũng như công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ ở các huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện) đạt kết quả chưa cao.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật và nhu cầu thực tiễn, nhất thiết đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ nhằm tăng cường kỷ cương pháp luật trong thi hành án hình sự, đồng thời góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và VKSND tỉnh Bình Phước nói riêng.
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN TREO, ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
1. Một số kết quả về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ
Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2011 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân.
Theo quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong đó có thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và án treo. Đây chính là chủ thể và là đối tượng của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện chương trình đột phá, kế hoạch công tác năm 2016, VKSND hai cấp tỉnh Bình Phước đã kiểm sát 1.425 trường hợp phạt tù nhưng cho hưởng án treo, 107 trường hợp án phạt cải tạo không giam giữ, kiểm sát và tham gia họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trên 100 trường hợp; trong năm ban hành 01 kháng nghị yêu cầu hủy bỏ quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo (được Hội đồng xét phúc thẩm chấp nhận), 03 kiến nghị đối với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc lập hồ sơ đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, miễn, giảm thời hạn cải tạo không giam giữ; về việc chậm bàn giao hồ sơ thi hành án cho UBND cấp xã để tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; tiến hành trực tiếp kiểm sát 11 cuộc tại Cơ quan thi hành án hình sự, sau kiểm sát đã ban hành 11 kết luận, kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; trực tiếp kiểm sát thi hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại 45 xã, phường, thị trấn (chiếm 40,54% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh), sau kiểm sát đã ban hành 45 kết luận, trong đó có 35 kết luận có kiến nghị yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật, khắc phục vi phạm, thiếu sót. Tất cả các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát đều được đơn vị được kiểm sát chấp nhận và trả lời bằng văn bản.
Viện kiểm sát đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Cụ thể: đã ban hành 01 kiến nghị với Chủ tịch UBND đề nghị chỉ đạo tăng cường công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
2. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ
2.1. Tồn tại, vi phạm
Công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ đã được VKSND hai cấp chú trọng, đã có kế hoạch công tác cụ thể ngay từ đầu năm. Tuy nhiên quá trình thực hiện kế hoạch có lúc, có khi do ảnh hưởng bởi các khâu công tác kiểm sát khác nên đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác này dẫn đến một số hạn chế, tồn tại như sau: Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ của VKSND cấp huyện tuy đã được thực hiện theo kế hoạch nhưng chưa thường xuyên, chủ yếu là thực hiện kiểm sát qua các đợt xét rút ngắn thời gian thử thách, giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ, hoặc vào thời gian quý III, quý IV trong năm, quy trình, phương pháp kiểm sát chưa chặt chẽ do vậy những tồn tại vi phạm chậm được phát hiện hoặc phát hiện vi phạm nhưng việc áp dụng biện pháp loại trừ vi phạm chưa chuẩn xác nên hiệu quả công tác kiểm sát không cao. Chất lượng nhiều cuộc kiểm sát trực tiếp tại UBND cấp xã còn thấp, có vi phạm nhưng chưa phát hiện được, hoặc có phát hiện được vi phạm nhưng khi kết luận không kháng nghị yêu cầu đình chỉ việc thi hành hoặc chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật mà chỉ kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Số liệu về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trong báo cáo chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định.
Qua một năm thực hiện khâu công tác đột phá và qua theo dõi kết quả công tác trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ do VKSND cấp huyện gửi đến VKSND tỉnh (thay báo cáo) và qua tham gia trực tiếp kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại 16 UBND xã, phường, thị trấn thuộc 08 huyện, thị xã có thể tổng hợp kết quả các dạng tồn tại, vi phạm chủ yếu của UBND cấp xã, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và TAND cấp huyện như sau:
Vi phạm của UBND cấp xã:
- UBND cấp xã chưa thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ trong việc tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 63, Điều 74 và một số quy định khác trong Luật thi hành án hình sự. Cụ thể:
Vẫn còn UBND cấp xã phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án chưa đúng quy định; việc nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành án không đầy đủ hoặc không đúng quy định; chưa yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ việc đóng án phí, bồi thường thiệt hại, hình phạt bổ sung hoặc người chấp hành án đã thực hiện đầy đủ việc đóng án phí, bồi thường thiệt hại, hình phạt bổ sung nhưng không yêu cầu họ nộp biên lai hoặc tài liệu thể hiện đã thực hiện hết trách nhiệm dân sự để lưu vào hồ sơ thi hành án; chưa giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
- Công tác phối hợp giữa UBND cấp xã với gia đình người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trong việc giám sát, giáo dục chưa thường xuyên nên trong thời gian chấp hành án, vẫn còn trường hợp bị án đã phạm tội mới.
- Trong thời gian chấp hành án nhiều trường hợp người chấp hành án treo, chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nhiều tiến bộ, có đủ điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách, hoặc giảm thời hạn cải tạo không giam giữ nhưng UBND cấp xã không lập hồ sơ đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét đề nghị Tòa án rút ngắn thời gian thử thách, giảm thời hạn cải tạo không giam giữ cho người chấp hành án theo quy định của pháp luật.
- UBND cấp xã chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bổ sung hồ sơ thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
- UBND cấp xã chưa thực hiện việc bàn giao hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật: Người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian thử thách hoặc đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ nhưng UBND xã chưa hoặc chậm bàn giao hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để xem xét cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách, chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ cho người chấp hành án.
Vi phạm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện:
- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nơi có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo nhưng không sao gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Có trường hợp Tòa án yêu cầu bổ sung hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nhưng Cơ quan thi hành án hình sự bổ sung không kịp thời. Ngoài ra, việc lập hồ sơ và có văn bản đề nghị xét rút ngắn, miễn, giảm thời hạn của Cơ quan thi hành án hình sự so với quy định về trình tự, thủ tục xét, quyết định rút ngắn, miễn, giảm thời hạn lại không đảm bảo dẫn đến các phiên họp xét, quyết định không hoàn thành trước các ngày lễ lớn của dân tộc như theo các văn bản hướng dẫn.
- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chậm giao hồ sơ thi hành án cho UBND cấp xã để tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; giao hồ sơ cho UBND cấp xã chưa đảm bảo thủ tục.
Vi phạm của TAND cấp huyện:
TAND cấp huyện có nơi hội đồng họp thảo luận không thống nhất quan điểm dẫn đến việc phải hoãn phiên họp. Từ đó kéo dài thời gian dẫn đến quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, quyết định giảm thời hạn cải tạo không giam giữ không đảm bảo thời gian theo các văn bản hướng dẫn. Vẫn còn TAND cấp huyện khi ban hành quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn cải tạo không giam giữ không gửi hoặc gửi đến VKSND cùng cấp và VKSND tỉnh không kịp thời. Việc tổ chức họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ còn chậm trễ so với thời gian pháp luật quy định.
2.2. Nguyên nhân tồn tại, vi phạm
Nguyên nhân khách quan:
Luật thi hành án hình sự năm 2010 giao cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, nhưng Luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ. Mặt khác, công tác thi hành án hình sự tại địa phương chưa được tập huấn về nghiệp vụ; người tham mưu giúp việc cho UBND cũng như người trực tiếp giám sát, giáo dục chưa được Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hướng dẫn cụ thể nên nhận thức về nhiệm vụ được phân công còn hạn chế. Có địa phương do người tham mưu giúp việc cho UBND mới nhận nhiệm vụ nên chưa thể tiếp cận tốt nhất công việc. Bên cạnh đó UBND cấp xã chưa có chế độ kinh phí hoạt động cho công tác này, chưa có chế độ thù lao, bồi dưỡng cho những người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án. Công tác thi hành án hình sự gồm nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị nên còn khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ ở UBND cấp xã hoạt động thiếu tích cực, đồng bộ và hiệu quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân chủ quan:
Ý thức chấp hành pháp luật của người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm; việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm trong việc thi hành án, của người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án chưa cao; một số cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự nghiên cứu chưa sâu các quy định của pháp luật về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ ở một số địa phương có lúc, có việc chưa thật sự chặt chẽ, một số cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ công tác này chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Công tác chỉ đạo, kiểm tra của Chủ tịch UBND cấp xã, của lãnh đạo Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát cấp huyện có khi chưa kịp thời nên còn để xảy ra vi phạm.
2.3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian tới
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, cá nhân tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của VKSND trong hoạt động kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp ổn định cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này.
Thứ hai, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống tổ chức thi hành án hình sự. Mối quan hệ phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của mỗi đơn vị.
Thứ ba, trên cơ sở thực tiễn đề xuất liên ngành Trung ương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật để áp dụng thống nhất.
Thứ tư, Viện kiểm sát cấp huyện cần quản lý chính xác số lượng người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc lập và bàn giao hồ sơ thi hành án, kiểm sát chặt chẽ trường hợp người chấp hành án thay đổi nơi cư trú.
Thứ năm, Viện kiểm sát cấp huyện cần tăng cường và chủ động phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ trong công tác thi hành án hình sự thường xuyên mở các đợt tập huấn về công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ cho UBND cấp xã để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp xã làm công tác này, đồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án hình sự.
Thứ sáu, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và tăng phụ cấp đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự. Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm về các dạng vi phạm trong lĩnh vực này để cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu, vận dụng trong quá trình công tác./.
Tác giả bài viết: Cao Đăng
Nguồn tin: Phòng 8 VKS Bình Phước
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!