Những hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
Phạm Xuân Minh
2020-02-05T21:41:55-05:00
2020-02-05T21:41:55-05:00
https://vksbinhphuoc.gov.vn/Kiem-sat-vien-viet/Nhung-han-che-vuong-mac-trong-viec-bao-dam-quyen-con-nguoi-khi-ap-dung-bien-phap-tam-giam-711.html
/themes/vks21/images/no_image.gif
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước
https://vksbinhphuoc.gov.vn/uploads/banners/logo-vks_2.png
Tóm tắt: Để ngăn chặn bị can, bị cáo có thể tiếp tục phạm tội, bỏ trốn, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thìcáccơ quan tiến hành tố tụng cần phải áp dụng biện pháp tạm giam trên cơ sở các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Tuy nhiên,trong thực tế áp dụng biện pháp tạm giam còn có nhiều vướng mắc, bất cập dẫn tới có nhiều trường hợp bị can, bị cáo nếu không tạm giam cũng không tiếp tục phạm tội, cản trở hoạt động tố tụng như trường hợp hành vi phạm tội rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội tự thú, thành khẩn khai nhận, ăn năn, hối cải, đã bồi thường khắc phục hậu quả…, nhưng vẫn có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Để ngăn chặn bị can, bị cáo có thể tiếp tục phạm tội, bỏ trốn, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thìcáccơ quan tiến hành tố tụng cần phải áp dụng biện pháp tạm giam trên cơ sở các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Tuy nhiên,trong thực tế áp dụng biện pháp tạm giam còn có nhiều vướng mắc, bất cập dẫn tới có nhiều trường hợp bị can, bị cáo nếu không tạm giam cũng không tiếp tục phạm tội, cản trở hoạt động tố tụng như trường hợp hành vi phạm tội rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội tự thú, thành khẩn khai nhận, ăn năn, hối cải, đã bồi thường khắc phục hậu quả…, nhưng vẫn có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Tâm lý của phần đông người dân cũng như người tiến hành tố tụng vẫn mặc nhiên hiểu là người bị tình nghi phạm tội, người bị buộc tội là tội phạm nên phải tạm giam để trừng phạt, mà chưa hiểu thấu đáo nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Thực tế, hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta có thời điểm có đến 80% số người bị khởi tố bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam khi bị điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều trường hợp lẽ ra họ được tại ngoại để điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ; trong đó có nhiềutrường hợp oan, sai. Việc lạm dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn tiền xét xử đã xâm hại nghiêm trọng đến một số quyền căn bản của con người, gây thiệt hại nghiêm trọng đến xã hội và giảm lòng tin của nhân dân vào hoạt động tư pháp hình sự. Về mặt xã hội, nó còn gây tốn kém về chi phí tố tụng và chi phí của Nhà nước khi phải xây dựng buồng giam và các chế độ quản lý không cần thiết.
Nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập
- Vướng mắc do các quy định của pháp luật
Thứ nhất, căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam với loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 BLTTHS “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”, căn cứ “có thể áp dụng” mang tính tuỳ nghi. Quy định không cụ thể trường hợp nào phải áp dụng, trường hợp nào không, dẫn tới nếu người có thẩm quyền tố tụng không áp dụng biện pháp tạm giam với bị can, bị cáo mà bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc bỏ trốn thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại có nguy cơ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Vì thế, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có tâm lý là cứ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì phải áp dụng biện pháp tạm giam. Quy định này dễ bị lạm dụng hoặc dẫn tới lạm dụng tạm giam trong các giai đoạn tố tụng.
Thứ hai,quy định về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc xem xét quyết định hủy bỏ hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác tại Khoản 2 Điều 125 và Khoản 7 Điều 173 BLTTHS còn mang tính thụ động, giao quyền quyết định cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà không có tính bắt buộc nên các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Thực tế người bị tạm giam được huỷ bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Thứ ba,căn cứ áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn truy tố được quy định tại Điều 241 BLTTHS “Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này”. Quy định “có quyền quyết định”mang tính tuỳ nghi, dẫn tớiviệc thay thế biện pháp tạm giam qua biện pháp khác trong giai đoạn này dễ bị nghi ngờ có tiêu cực. Nên Viện kiểm sát thường tiếp tục tạm giam bị can với lý do “để đảm bảo việc truy tố”, mặc dù nhiều trường hợp không tạm giam bị can thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc truy tố như các trường hợp phạm tội quả tang, căn cứ đã rõ, bị can thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đã bồi thường khắc phục hậu quả, bị can tỏ ra ăn năn hối cải.
Thứ tư,Điều 278 BLTTHS quy định về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn xét xử “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định; Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Quy định về căn cứ tạm giam trong giai đoạn xét xử “quyết định” và “nếu thấy cần tiếp tục” mang tính chung chung, tuỳ nghi, không rõ ràng về căn cứ, nên người có thẩm quyền tại Toà án cũng có tâm lý ngại thay đổi biện pháp tạm giam cho bị can, bị cáo vì dễ bị nghi ngờ có tiêu cực, và thường là tiếp tục tạm giam với bị can, bị cáo cho đến khi đi thi hành án.
Thứ năm,quy định về tạm giam bị cáo sau khi tuyên ántại Điều 329 BLTTHS “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo; thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày kể từ ngày tuyên án...”. Quy định về căn cứ tiếp tục tạm giam của điều luật “xét thấy cần tiếp tục” mang tính tuỳ nghi, theo nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử. Điều này dẫn tới nếu bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên cứ tiếp tục bị tạm giam tiếp, và dẫn tới thực tế là số người bị tạm giam trong giai đoạn sau khi tuyên án, chờ thi hành án chiếm tỷ cao.
Thứ sáu,các quy định về căn cứ áp dụng, thay đổi biện pháp tạm giam trong các giai đoạn tố tụng không rõ ràng, mang tính tuỳ nghi theo nhận định chủ quan của từng người vì thế nếu sau khi thay thế biện pháp tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khởi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền, mà bị can, bị cáo đó bỏ trốn hay tiếp tục phạm tội mới, thì cán bộ đề xuất, cán bộ lãnh đạo ký quyết định thay thế biện pháp tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng có nguy cơ bị khởi tố bị can về tội “Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” quy định tại Điều 378 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể đến 10 năm tù (thực tế vào năm 2011, Trưởng công an Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh là người có văn bản đề nghị thay đổi biện pháp tạm giam cho bị can Huỳnh Lê Hoàng, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố Trà Vinh đã ký quyết định thay đổi biện pháp tạm giam, sau đó bị can này trốn sang nước Nhật Bản, vì thế hai cán bộ lãnh đạo này đã bị xử lý về hành vi “Tha người trái phép”). Chính từ việc BLTTHS không quy định rõ ràng căn cứ để thay đổi biện pháp ngăn chặn, nên khi thay đổi biện pháp ngăn chặn làm cho người tiến hành tố tụng bị phạm tội, dẫn tới tâm lý “cầu toàn” là không thay thế biện pháp tạm giam, mà cứ tiếp tục ra lệnh tạm giam với lý do là “để đảm bảo việc truy tố”; “đảm bảo việc xét xử”; “đảm bảo việc thi hành án”,mà chưa xem xét tới hoặc không thể xem xét tới quyền con người của bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam. Hậu quả của việc tiếp tục bị tạm giam làquyền con người bị xâm phạm, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ bảy,chế độ trách nhiệm đối với người tiến hành tố tụng chưa được quy định rõ ràng, minh bạch, vì thế khó có căn cứ xử lýtrách nhiệm với người có thẩm quyền nếu họ có hành vi viphạm quyền con người với người bị buộc tội.
- Vướng mắc do các yếu tố khác:
+ Điều kiện về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động điều tra: Các trang thiết bị phục vụ cho việc điều tra, các hệ thống camera giám sát trong các khu dân cư, các trục đường giao thông hầu như không có, việc truy xuất dữ liệu, tìm chứng cứ để khám phá các vụ án là rất hạn chế. Hoạt động điều tra chủ yếu qua nắm thông tin của người dân cung cấp rồi sàng lọc đối tượng nghi vấn để truy tìm thủ phạm. Do vậy, các Cơ quan điều tra thường muốn lạm dụng việc tạm giam để điều tra vụ án được hiệu quả, vì khi bị tạm giam các bị can thường có xu hướng thành khẩn khai báo, cung cấp các chứng cứ, dấu vết tội phạm đầy đủ, Cơ quan điều tra có thể căn cứ vào đó để mở rộng điều tra làm rõ thêm các đồng phạm. Nếu không áp dụng biện pháp tạm giam thì phần nhiều sẽ không đủ chứng cứ để xử lý vụ án và mở rộng điều tra. Điều này đã làm tăng tỷ lệ bị can bị tạm giam.
+ Nhận thức về quyền con người của người tiến hành tố tụng: Vấn đề quyền con người là vấn đề mới ở Việt Nam, trong thời gian gần đây mới được nói đến nhiều. Nhưng phần đông người dân nói chung và những người tiến hành tố tụng nói riêng chưa hiểu thấu đáo về quyền con người, quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam. Vì thế, trong quá trình thực hiện chưa biết để xem xét cân nhắc bảo đảm quyền cho người bị áp dụng biện pháp tạm giam.
+ Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa được đề cao, nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động tạm giam, tạm giữ cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án làm cho việc vận dụng thiếu chính xác dễ dẫn đến những hoạt động tuỳ tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người của người bị tạm giam.
+ Nhận thức về quyền con người của người dân, của các cơ quan báo chí, dư luận: Do nhận thức về quyền con người của phần đông người dân, thậm chí là của đội ngũ phóng viên báo chí còn hạn chế, mặc nhiên hiểu người bị buộc tội là tội phạm thì phải bị áp dụng biện pháp tạm giam để trừng trị nên khi xảy ra một sự việc như việc khởi tố hay không khởi tố bị can, việc tạm giam hay thay đổi biện pháp tạm gia sang biện pháp ngăn chặn khác, thì tất cả dư luận bàn tán, bình phẩm, đăng tin, “giật tít” gây sự chú ý, làm cho dư luận phản ứng tiêu cực mà chưa nghiên cứu, xem xét việc làm đó đúng hay sai, có căn cứ pháp luật hay không, việc làm đó có phải vì mục tiêu bảo vệ quyền con người của người dân, người bị hại, người bị buộc tội, mà vội vàng kết luận là có hành vi tiêu cực. Nhiều trường hợp người có thẩm quyền đưa ra các quyết định là hoàn toàn đúng, nhưng vì áp lực dư luận, để trấn an dư luận, các cơ quan chủ quản của người tiến hành tố tụng đã phải tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ. Từ thực tế đó, dẫn tới người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các cơ quan tiến hành tố tụng có tâm lý “cầu toàn”, “thủ” cho bản thân, không giám mạnh dạn đưa ra các đề xuất, quyết định hợp tình, hợp lý trên cơ sở các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền con người. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bị can, bị cáo bị tạm giam cao, và tỷ lệ thay đổi biện pháp tạm giam thấp.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên cho thấy cần phải có những giải pháp để bảo đảm tốt hơn quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam, cụ thể:
- Từ những vướng mắc trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cho thấy cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về các căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; cần quy định căn cứ “có thể”; “có quyền”; “thấy cần thiết” “để đảm bảo việc truy tố”; “đảm bảo việc xét xử”; “đảm bảo việc thi hành án” áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, cũng như giai đoạn sau khi tuyên án, chờ thi hành án để người có thẩm quyền có căn cứ pháp lý cụ thể áp dụng hay thay đổi biện pháp tạm giam, tránh tình trạng lạm dụng việc tạm giam và khắc phục được thực trạng người tiến hành tố tụng không giám mạnh dạn có quyết định kịp thời thay đổi biện pháp tạm giam để bảo đảm tốt nhất quyền con người.
- Cần bổ sung các quy định rõ hơn về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi xem xét quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, thì ngoài các căn cứ theo quy định của BLTTHS, phải ưu tiên xem xét đến việc bảo đảm quyền con người cho bị can, bị cáo; cần phải huỷ bỏ ngay biện pháp tạm giam khi thấy không cần thiết hoặc thay đổi sang biện pháp ngăn chặn để bảo đảm quyền con người cho bị can, bị cáo.
- Nơi giam giữ là nơi bị cấm ra vào với mọi người nên nếu người bị tạm giam có bị xâm hại các quyền thì họ cũng không thể có chứng cứ chứng minh, do vậy cần quy định việc gắn hệ thống camera giám giát trong các buồng giam, trong các phòng hỏi cung, trong khuôn viên nhà tạm giữ, trại tạm giamkết nối đến Viện kiểm sát cùng cấp để giám sát và phải lưu trữ lại dữ liệu, đảm bảo những người bị tạm giam không bị hành hạ về thể xác và tinh thần, không bị xâm hại tính mạng, sức khoẻ hoặc bị cắt bớt các vật dụng phục vụ hàng ngày, đồ ăn thức uống mà theo quy đinh của pháp luật họ phải được hưởng. Thông qua các dữ liệu hình ảnh được lưu trữ là căn cứ xem xét các nội dung khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giam.
- Cần nhanh chóng đưa Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để giáo dục, nâng cao nhận thức vấn đề quyền con người cho chính người dân để người dân hiểu bản thân có những quyền gì từ đó tự bảo vệ hoặc yêu cầu bảo vệ khi bị xâm hại và biết tôn trọng quyền con người của người khác. Khi người dân hiểu được vấn đề quyền con người thì cũng không có những phản ứng tiêu cực, thiếu hiểu biết trước việc các cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng, huỷ bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam với người bị buộc tội, không gây áp lực tiêu cực cho người tiến hành tố tụng trong việc quyết định áp dụng, thay thế, huỷ bỏ biện pháp tạm giam.
- Cần tập huấn, nâng cao nhận thức về quyền con người cho đội ngũ các nhà báo, các phóng viên. Từ đó họ có cái nhìn, hiểu sâu sắc về quyền con người, họ sẽ phải cân nhắc đến vấn đề quyền con người khi viết bài, đưa tin, khắc phục được tình trạng các bài viết phiến diện gây áp lực tiêu cực góp phần xâm phạm đến quyền con người như thời gian vừa qua.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về việc áp dụng biện pháp tạm giam về công tác tạm giữ, tạm giam. Tiếp tục tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế về bảo đảm quyền con người, tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp song phương và đa phương với những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống có nội dung bắt, tạm giữ, tạm giam để bảo đảm tốt nhất quyền con người cho công dân Việt Nam. Tăng cường hơn nữa việc trao đổi tọa đàm, giao lưu giữa các nước trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm lập pháp về bảo đảm quyền con người khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiếp thu những quy định tiến bộ, hợp lý để có những nghiên cứu sửa đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.
- Trong thời gian chờ việc sửa đổi luật tố tụng hình sự thì Liên ngành tố tụng Trung ương cần phải kịp thời có hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của BLTTHS nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng được chính xác, khách quan và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, như:
+ Hướng dẫn rõ về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và chờ thi hành án, nhằm hạn chế việc lạm dụng tạm giam do các quy định của pháp luật về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam còn chung chung, tuỳ nghi như hiện nay.
+ Hướng dẫn rõ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm nhằm giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường áp dụng các biện pháp này.
+ Hướng dẫn rõ về trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải thường xuyên kiểm tra căn cứ áp dụng biên pháp tạm giam để huỷ bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam cho người bị tạm giam khi căn cứ tạm giam không còn căn cứ tạm giam.
+ Hướng dẫn rõ về tách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án về trách nhiệm phải bảo đảm quyền con người khi xem xét quyết định áp dụng, huỷ bỏ hoặc thế thế biện pháp tạm giam.
- Viện kiểm sát các cấp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; kiểm sát hoạt động giam, để bảo đảm quyền con người cho người bị áp dụng biện pháp tạm giam.
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho nhà tạm giữ, trại tạm, các phương tiện thông tin, liên lạc, hệ thống giám sát phục vụ cho công tác tạm giữ, tạm giam để bảo đảm quyền con người tốt nhất có thể cho những người bị áp dụng biện pháp tạm giam.
- Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ người bào chữa như tăng cường đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trợ giúp cho những người nghèo, người đồng bào khó khăn về tài chính khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ của đội ngũ luật sư. Thông qua những người bào chữa thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, người bị áp dụng biện pháp tạm giam được bảo vệ tốt hơn.
Tác giả bài viết: Phạm Xuân Minh
Nguồn tin: Tạp chí Pháp luật về quyền con người -Viện Quyền con người- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (số 4/2019).