CẦN CÓ HƯỚNG DẪN THỐNG NHẤT VỀ KỸ NĂNG CỦA KSV KHI THAM GIA PHIÊN TÒA XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO TINH THẦN CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Thứ tư - 13/08/2014 22:39 6.932 0
Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị được xem như sự mở đầu cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Tiếp đó là Nghị Quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các Nghị quyết này đề cập đến nhiều nội dung của công tác cải cách tư pháp từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho đến việc đào tạo cán bộ tư pháp. Có nhiều nội dung chỉ đạo các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp về việc tranh tụng trong quá trình xét xử các vụ án hình sự. Đây chính là bước đột phá của cải cách tư pháp. Như vậy một vấn đề cấp bách được đặt ra đối với các cơ quan tư pháp là làm thế nào để đạt được các yêu cầu đó.
Trong những năm gần đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp hàng năm đưa ra các chỉ tiêu đối với các kiểm sát viên cần phải phối hợp chặt chẽ với Tòa án để tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, để từ đó đánh giá về kỹ năng xét hỏi, luận tội, tranh luận của KSV tại phiên tòa. Thông qua việc tổ chức các phiên tòa này đã giúp cho các thẩm phán, KSV tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm các phiên tòa đều diễn ra khách quan và đúng qui định của pháp luật, tất cả các phán quyết của Tòa án chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ chứng cứ, ý kiến của KSV, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
          Đối với KSV do có sự chuẩn bị tốt từ dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi, nhất là phối hợp tốt với Tòa án về việc dự kiến các tình huống tranh tụng và các tình huống khác có thể xảy ra tại phiên tòa, bảo vệ được cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố, đề xuất mức án phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.
          Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế cũng như theo dõi các phiên tòa và quá trình điều khiển phiên tòa cũng như quá trình thực hành quyền công tố của KSV, chúng tôi thấy vẫn còn chưa có sự thống nhất trong quá trình thao tác kỹ năng của KSV tại phiên Tòa.
          Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đưa ra một số tình huống cần phải có sự hướng dẫn để thống nhất trong toàn ngành kiểm sát nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị Quyết 49 của Bộ chính trị, cụ thể:
          Tại khoản 3 Điều 197 BLTTHS qui định: “Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án, những người được Tòa án triệu  tập để xét hỏi được trình bày ý kiến và người nào muốn trình bày phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Người trình bày ý kiến phải đứng khi được hỏi trừ trường hợp vì lý do sức khỏe  được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để trình bày”.
          Như vậy về phần nội qui phiên tòa trước khi HĐXX vào phòng xét xử thì Bộ luật tố tụng hình sự qui định: Tất cả mọi người  tròng phòng xử án phải đứng dậy, do vậy KSV cũng phải đứng dậy để chào HĐXX khi vào phòng xử án.
          Tại Điều 202 BLTTHS về thủ tục phiên tòa qui định “ Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải được chủ tọa phiên tòa hỏi xem họ có đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký……………”
          Tại Điều 205 BLTTHS qui định “Chủ tọa phiên tòa phải hỏi KSV và những người tham gia tố tụng có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không……………….”
          Về phần đọc cáo trạng và trình bày lời luận tội của KSV: khi đọc cáo trạng và trình bày lời luận tội có KSV thì xưng danh đầy đủ họ tên của KSV, có KSV không giới thiệu họ, tên mà chỉ xưng danh tôi đại diện Viện kiểm sát và có KSV sau khi trình bày xong thì thưa HĐXX tôi đã công bố xong bản cáo trạng hoặc đã trình bày xong bản luận tội đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Nhưng có KSV khi đọc cáo trạng và trình bày xong bản luận tội chỉ có xưng hô tôi đã công bố xong bản cáo trạng hay là tôi đã trình bày xong bản luận tội không đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử.
          Về phần xét hỏi của KSV tại phiên tòa  hầu hết các KSV khi đến phần xét hỏi đều không đề nghị HĐXX cho phép được hỏi ai mà tự KSV đề nghị bị cáo, bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự đứng lên để hỏi trong khi chưa được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.
          Nhưng thực tế hiện nay về hướng dẫn viết bản cáo trạng và luận tội. Viện kiểm sát nhân dân dân tối cáo đã có mẫu thống nhất trong toàn ngành, còn về kỹ năng và cách thức xưng hô tại phiên tòa thì chưa có hướng dẫn để các KSV khi tham gia phiên tòa cần phải có cách xưng hô cho thống nhất. Kể cả giáo trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (KSV) của Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hà nội (nay là Đại học kiểm sát) soạn thảo để giảng giạy học phần công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cũng không có hướng dẫn.
          Từ những bất cập nêu trên cần có hướng dẫn thống nhất chung của toàn ngành đối với KSV khi tham gia xét xử các phiên tòa hình sự . Chúng tôi đưa ra một số vấn đề mà hiện nay chưa có sự thống nhất chung trong toàn ngành để bạn đọc góp ý bổ sung vào Qui chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cho phù hợp và thống nhất trong toàn ngành đó là:
          Khi vào phần thủ tục phiên tòa chủ tọa hỏi KSV về phần thủ tục thì KSV được ngồi để phát biểu quan điểm của KSV về phần thủ tục vì:
Thứ nhất: Chỉ Viện kiểm sát nhân dân (KSV được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa đại diện) là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà Nước  thực hành quyền công tố tại phiên tòa  hình sự. Đó là quyền “Công tố” Nhà nước chứ không phải quyền “ Tư tố”.
Thứ hai: Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa hình sự, theo đó KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa hình sự có nhiệm vụ và quyền hạn là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng (HĐXX) thư ký , những người tham gia tố tụng. Nhưng khi chủ tọa phiên tòa hỏi KSV thì chủ tọa ngồi, KSV phải đứng dậy phát biểu quan điểm về phần thủ tục phiên tòa là không tương xứng. Do vậy về phần thủ tục phiên tòa khi chủ tọa hỏi KSV có ý kiển gì về phần thủ tục phiên tòa thì KSV chỉ cần ngồi phát biểu quan điểm của KSV là phù hợp với chức năng quyền hạn của Viện kiểm sát đã được ghi nhận trong hiến pháp.
Về phần trước lúc đọc bản cáo trạng và trình bày luận tội thì theo quan điểm của chúng tôi KSV không cần phải giới thiệu họ, tên đầy đủ mà chỉ cần xưng hô tôi: Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng hoặc trình bày luận tội là đủ. Vì phần thủ tục phiên tòa Chủ tọa đã đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và đã giới thiệu đầy đủ họ, tên, chức vụ của những người tiến hành tố tụng cho luật sự, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người liên quan, nguyên đơn dân sự biết để những người này có yêu cầu thay đổi ai hay không, nên KSV giới thiệu lại họ tên của KSV là không cần thiết; Sau khi đọc cáo trạng hoặc trình bày luận tội xong thì bắt buộc KSV phải đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử để thể hiện tính uy nghi và đây cũng là quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của KSV tại phiên Tòa. Bởi vì khi thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa KSV có quyền kiểm sát mọi hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử để phát hiện những vi phạm thiếu sót của Hội đồng xét xử trong quá trình xét xử từ đó kiểm sát viên có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử  hoặc để xuất lãnh đạo kiến nghị Hội đồng xét xử khắc phục những vi phạm nếu có.
Về phần xét hỏi của KSV theo quan điểm của chúng tôi khi KSV muốn hỏi những người tham gia tố tụng thì phải đề nghị Hội đồng xét xử, khi Chủ tọa yêu cầu nhưng người tham gia tố tụng để KSV cần hỏi đứng dậy thì KSV mới được hỏi. Vì khi xét xử Chủ tọa phiên tòa có quyền điều hành toàn bộ mọi hoạt động diễn ra tại phiên tòa.
Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên. Để thực hiện tốt các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm ban hành qui chế thống nhất trong toàn ngành về kỹ năng, trình tự thủ tục của KSV khi tham gia phiên tòa, để thống nhất chung về kỹ năng của KSV, thông qua đó để đánh giá kỹ năng của KSV và để các KSV coi đây để  học tập rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay..
Với bài viết của tác giả tuy chưa được hoàn thiện,  mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi cùng bạn đọc để sữa đổi bổ sung qui chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự để thống nhất trong toàn ngành.

Tác giả bài viết: Lê Văn Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây