Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kèm theo đơn khởi kiện; hoặc đơn khởi kiện đã được Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thụ lý và lên lịch hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì xử lý như thế nào?
Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện, để đảm bảo thực hiện các quyền của đương sự về bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng tài sản hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án thì Tòa án phải xem xét thụ lý vụ án và giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự mà không chuyển vụ việc cho Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Tòa án.
Trường hợp đơn khởi kiện đã được Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thụ lý và lên lịch hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chuyển ngay vụ việc cho Tòa án để xem xét thụ lý vụ án và giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự.
Trường hợp lập biên bản hòa giải thành và các bên cùng ký đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành nhưng trong quá trình Tòa án mở phiên họp xét đơn yêu cầu, một bên không đến thì Tòa án có thể ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không?
Khoản 2 Điều 367 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.”
Căn cứ quy định nêu trên, nếu người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Trường hợp người khác (người không yêu cầu) vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Nguồn tin: Web VKSTC
Ý kiến bạn đọc