Tấm gương đẹp ngành Kiểm sát Bình Phước

Thứ ba - 10/03/2020 23:50 3.387 0

hình ảnh

hình ảnh
Bằng tinh thần trách nhiệm và lối ứng xử đầy nhân văn, đồng chí Mai Phi Hùng- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Gia Mập đã để lại ấn tượng vô cùng đẹp trong lòng người dân.
“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Những áng thơ của Tố Hữu, có lẽ khi đọc qua, bạn sẽ chỉ nghĩ lối sống này chỉ có ở những cao nhân, những nghệ sĩ. Nhưng ít ai biết rằng, giữa cuộc đời đầy xô bồ vội vã này vẫn còn có những người đang từng ngày sống với lẽ sống cao đẹp ấy. Người mà tôi muốn kể đến chính là kiểm sát viên Mai Phi Hùng, công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Mai Phi Hùng
Hôm ấy, tôi được tham gia phiên tòa xét xử về một vụ tại nạn giao thông. Vụ việc đáng chú ý là phía gia đình bị cáo và cả bị hại điều thuộc dạng thu nhập bấp bênh. Bị hại là anh X, đã tử vong  - còn cô vợ tên Như (đã được thay đổi tên) sinh năm 1999. Vợ chồng anh có hai con nhỏ. Như là cô gái nhỏ nhắn, còn quá trẻ để làm mẹ của hai đứa con, là dân nhập cư Campuchia chỉ mới về Việt Nam một thời gian ngắn. Còn bị cáo, anh T -  cũng rơi vào hoàn cảnh chẳng khá cho mấy, vợ anh thì bận chăm con nhỏ nên chẳng thể giúp chồng đỡ đần việc mưu sinh.
Hiểu thấu được hoàn cảnh khắc nghiệt của cả bị hại lẫn bị cáo, khi bị hại cần bồi thường nhưng bị cáo cũng chẳng có khả năng, ngay trong lúc này, anh Mai Phi Hùng đã có những hành động đẹp, để lại trong tôi ấn tượng mạnh từ trên chặng đường từ Bù Gia Mập hẻo lánh quay về Sài Gòn phồn hoa.
Tôi nhớ như in lúc ấy, anh lúi húi lấy chút tiền còn lại trong ví đưa cho Như rồi bảo “ Em cầm lấy ít tiền, anh gởi cho em với hai cháu”, anh kiểm sát viên làm việc quá giờ đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng anh chạy đi chạy lại gia đình hai bên đương sự để giúp hai bên gia đình ngồi lại với nhau thỏa thuận về số tiền bồi thường. Anh Hùng khuyên mỗi bên bên nâng lên, hạ xuống một chút vì biết hoàn cảnh gia đình hai bên gia đình cũng lắm điều khó khăn như nhau. Dường như ở vị kiểm sát viên trẻ này, tôi cảm nhận được có một nguồn năng lượng vô cùng dồi dào, cháy hết mình vì những gì mình đã quyết định làm.
Kết quả Tòa tuyên án, một tiếng phào nhẹ nhõm vì ngoài kết quả bản án được tuyên công tâm thì nó còn ghi nhận được sự thống nhất chung trong mức bồi thường thiệt hại, rất phù hợp với hoàn cảnh của các bên. Ai đã từng chứng kiến các vụ án hình sự cũng điều biết, để thỏa thuận được số tiền bồi thường rất khó bởi các bên ai cũng cho rằng mình đúng, không ai chịu nhường ai. Bản án được tuyên ngoài là sự đóng góp của các cán bộ tận tâm trong công việc và còn bởi lòng nhiệt thành đến từ trái tim của các cán bộ nơi đây, trong đó phải kể đến anh Mai Phi Hùng.
   (Kiểm sát viên Mai Phi Hùng-Hàng trên bên trái ngoài cùng)
Không biết từ bao giờ giữa người dân và cán bộ thường có khoảng cách rất lớn, chắc có lẽ vì “ một con sầu làm sầu nồi canh”, cái xấu thường để lại ấn tượng sâu đậm hơn so với cái tốt. Nhiệm vụ của kiểm sát viên đáng lẽ chỉ cần tuân thủ quy định của pháp luật, để công lý được thực thi. Không cần thiết phải giúp các đương sự tìm tiếng nói chung như câu chuyện trên. Vậy mà cái cách anh đứng ra nói chuyện với các bên đương sự cũng thật chân thành và giản dị, chẳng khác nào giữa những người anh em trong nhà khuyên bảo nhau, không hề có sự trịch thượng nào ở đây cả. Dường như trong phiên tòa ấy không còn bất cứ khoảng cách nào giữa dân và cán bộ. Tôi gọi phiên tòa hôm ấy là phiên tòa đẹp cả về thủ tục và đẹp về tình người !
Nếu Viện kiểm sát là cơ quan được giao nhiệm vụ buộc tội thì những người làm luật sư lại đi bào chữa cho thân chủ mình thoát tội. Tôi là trợ lý của luật sư bảo vệ cho bị cáo, gần như tôi và anh Hùng ngày hôm đó đã đứng giữa hai cương vị đối lập nhau, thế nhưng những gì anh làm đã khiến tôi cảm động thật sự. Qua đó mới thấy tình cảm luôn là thứ giúp xoa dịu thành kiến giữa người với người. Một kiểm sát viên mà đạo đức nghề nghiệp gắn liền với đạo đức làm người, khiến bao người nể phục về nhân cách sống. Kể câu chuyện này ra không chỉ để cho mọi người thấy được cái hay cái đẹp của ngành kiểm sát mà đó còn là một bài học cho chính bản thân tôi. Khiến tôi tâm huyết hơn nữa với nghề nghiệp mà tôi đã trân quý theo đuổi bấy lâu nay, thôi thúc lớp trẻ như chúng tôi càng phải nên có ý thức và trách nhiệm hơn nữa với xã hội. Ngoài kia còn nhiều lắm những mảnh đời cần được sự chân thành của kiểm sát viên Mai Phi Hùng. Và tôi hi vọng rằng, cũng đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S này, sẽ còn rất nhiều những Mai Phi Hùng khác, đang âm thầm lặng lẽ cống hiến cho đời những điều tốt đẹp nhất mà ít ai biết được.
Hôm nay, ngồi viết những dòng này giữa trời Sài Gòn nắng nhẹ, nhìn ra cửa sổ, ngắm chiếc lá xanh, chú chim hót ríu rít, trong lòng tôi hạnh phúc dạt dào với tình yêu nghề, với những con người như anh Hùng:
“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

                              (Từ ấy- Tố Hữu)


Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Sinh viên Lớp HS 41.4 trường ĐH Luật TP.HCM)

Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vksbinhphuoc.gov.vn/ là vi phạm bản quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây