Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong các thủ tục tố tụng đặc biệt

Chủ nhật - 12/02/2017 23:03 2.016 0
(Kiemsat.vn) – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ, cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong các thủ tục tố tụng đặc biệt sau đây.
Thủ tục rút gọn

Thứ nhất, khi thấy vụ án thuộc trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định áp dụng, thay vì có thể như hiện nay (Điều 457).
Thứ hai, theo quy định của Bộ luật thì VKS có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng thủ tục này. Theo đó, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định; trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, VKS phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra, kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát (Điều 457).
Thứ ba, tăng thời hạn quyết định quyết định việc truy tố và thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố là 05 ngày so với hiện nay là 04 ngày (Điều 459 và Điều 461).
Thứ tư, để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, kể từ khi VKS ra quyết định truy tố, trong thời hạn 24h, VKS phải giao quyết định cho bị can hoặc người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án (Điều 461).
Thứ năm, hiện nay, thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đến xét xử sơ thẩm, BLTTHS năm 2015 đã quy định thủ tục này được áp dụng cả ở giai đoạn phúc thẩm. Vì vậy, sau khi thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn phúc thẩm, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án (Điều 464).

Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
Một trong những nội dung đổi mới quan trọng của BLTTHS năm 2015 là chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi là hạn chế việc xử lý hình sự, mở rộng các trường hợp được miễn hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với các em.
BLHS, BLTTHS năm 2015 quy định khi thỏa mãn các điều kiện luật định, trong quá trình tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền quyết định áp dụng các biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục tại cộng đồng gồm khiển trách, hòa giải cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì áp dụng các biện pháp hình sự như hiện nay đối với người dưới 18 tuổi.
Vì vậy, trách nhiệm đặt ra đối với VKS trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên cần nắm vững những chính sách mới của BLHS, xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp, đối chiếu với các điều kiện luật định để áp dụng chính xác, nhằm giúp đỡ các em tích cực sửa chữa để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Thứ nhất, Điều 474 và Điều 475 BLTTHS năm 2015 quy định khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ việc bắt, tạm giữ) do cấp trưởng xem xét, giải quyết; khiếu nại đối với việc bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử do Chánh án Tòa án giải quyết thay cho việc VKS giải quyết các trường hợp này như hiện nay.
Thứ hai, bỏ quy định định tính hiện nay là khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải được VKS “giải quyết ngay” bằng thời hạn 24h kể từ khi nhận được khiếu nại. Đồng thời, bổ sung quy định trong thời hạn 24h kể từ khi nhận được khiếu nại, các cơ quan, người có thẩm quyền phải chuyển cho VKS các khiếu nại này (Điều 474).
Thứ ba, để phù hợp với VKS bốn cấp, Bộ luật quy định cụ thể phạm vi công tác của VKSND cấp cao như sau: Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử do VKSND cấp cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của VKSND cấp cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Thứ tư, Điều 482 bổ sung quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho VKS cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để tạo điều kiện cho VKS thực hiện tốt trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo Quốc hội hàng năm về công tác này.
Thứ năm, Điều 483 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, quy định rõ phạm vi tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới; bổ sung khoản 3 thẩm quyền Ban hành kết luận kiểm sát; thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nguồn tin: kiemsat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây