BÀN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 ĐIỀU 29 BLHS NĂM 2015

Thứ ba - 28/07/2020 22:30 6.324 0

 

Cơ quan tiến hành tố tụng có áp dụng miễn trách nhiệm hình sự hay không nên chăng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội….Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được hướng dẫn cụ thể nên trong một số trường hợp áp khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 về miễn trách nhiệm hình sự vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
1. Vướng mắc khi áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 về miễn trách nhiệm hình sự
Tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định: Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Việc quy định mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế xử lý bằng biện pháp hình sự đối với người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập và đang có nhiều cách hiểu không thống nhất khi áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này.
          Mặc dù đây là những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự được bổ sung trong BLHS năm 2015, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm, tiết kiệm chi phí tố tụng. Tuy nhiên, đối với các loại tội “gây thiệt hại về tài sản” thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì hiện nay đang có nhiều ý kiến không thống nhất dẫn, việc một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tùy nghi áp dụng khi miễn trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp, dẫn đến không bảo đảm công bằng giữa người phạm tội bị truy cứu TNHS với người phạm tội nhưng được miễn TNHS.
Có ý kiến cho rằng, chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, mà không áp dụng đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có 08 tội danh thực hiện do cố ý nhưng phải có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, thì mới được khởi tố như: Khoản 1 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 1 Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); khoản 1 Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); khoản 1 Điều 141 (Tội hiếp dâm); khoản 1 Điều 143 (Tội cưỡng dâm); khoản 1 Điều 155 (Tội làm nhục người khác): khoản 1 Điều 156 (Tội vu khống) và khoản 1 Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Bởi vì, đây là các loại tội “gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm” được quy định có thể miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Các tội phạm này đều là tội phạm ít nghiêm trọng được thực hiện với lỗi cố ý, nhưng  trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nếu người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết có đơn rút yêu cầu khởi tố thì phải đình chỉ (miễn TNHS), nên không thể áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Như vậy, chỉ có một số tội quy định tại Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu của BLHS thuộc trường hợp “gây thiệt hại về tài sản” để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Còn lại một số loại tội phạm khác trong BLHS thì không thuộc trường hợp “gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác”. Nếu đủ điều kiện để miễn TNHS thì thuộc trường hợp quy định tại  khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 29 BLHS hoặc các Điều 16; khoản 2 Điều 91; khoản 4 Điều 110; khoản 4 Điều 247; đoạn 2 khoản 7 Điều 364; khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS năm 2015.
Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải xem xét thận trọng trước khi miễn trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm đó là, khoản 1 Điều 172 (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản); khoản 1 Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản); khoản 1 Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); khoản 1 Điều 175 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); khoản 1 Điều 176 (Tội chiếm giữ trái phép tài sản); khoản 1 Điều 177 (Tội sử dụng trái phép tài sản); khoản 1 Điều 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản)…
Bởi vì, đi cùng với sự phát triển đó là mặt trái của cơ chế thị trường cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mặc dù, chính quyền địa phương các cấp đã rất quan tâm tới công tác phòng, chống tội phạm, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội được kiểm soát. Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn chưa thực sự được kiềm chế hiệu quả, trong đó nổi lên là các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tình hình tội phạm, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng một cách đại trà khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm xâm phạm sở hữu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng này, dễ dẫn đến người phạm tội sau khi bị phát hiện đã nhanh chóng bồi thường dân sự cho bị hại để được miễn trách nhiệm hình sự. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để kéo dài thời gian giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm vì lý do chờ bồi thường và chờ hai bên hòa giải, thỏa thuận. Trong khi đó, điều luật quy định cấu thành cơ bản của một số tội xâm phạm sở hữu là “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”….mà hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính, có nghĩa là người vi phạm chưa hội đủ yếu tố theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), thì có thể trở thành tội phạm hình sự trong một số trường hợp mà BLHS quy định. Đây được xem là hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hành chính. Theo khoản 1 Điều 2 Luật XPVPHC quy định vi phạm hành chính: “Là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”…..Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, nếu một người phạm tội được áp dụng  khoản 3 Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự thì vừa không bị ghi án tích vào lý lịch tư pháp và cũng không bị coi là chưa hội đủ yếu tố theo quy định tại Điều 7 Luật XLVPHC để xem xét ranh giới giữa xử lý vi phạm hành chính và tội phạm hình sự khi vi phạm lần sau. Bởi vì, về lý lịch tư pháp, bản thân người phạm tội khi được áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự được xem là trong sạch, chưa vi phạm pháp luật dù trước đây, người này từng là tội phạm hình sự.
Theo đó, việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn TNHS hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ người phạm tội không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn TNHS.
Ý kiến khác lại cho rằng, trong tất cả các tội phạm xâm phạm sở hữu (tài sản) của người khác thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nếu trong quá trình giải quyết vụ án người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì được miễn trách nhiệm hình sự. Bởi vì, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết, cụ thể như thế nào thì không được miễn trách nhiệm hình sự đối với chế định miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Ngoài ra, tại đoạn 2 điểm d khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định nguyên tắc xử lý là: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Mặt khác, tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ các quyền và tự do của con người, của công dân, trong hoạt động tư pháp hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, thì quá trình giải quyết vụ án nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng mà trong quá trình giải quyết đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì được miễn TNHS.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ nhất, bởi lẽ các loại tội quy định tại khoản 1 thuộc các tội xâm phạm đến tài sản của người khác quy định tại Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu của BLHS năm 2015 mới thuộc trường hợp “gây thiệt hại về tài sản”. Tuy là tội phạm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình giải quyết người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì phải xem xét, cân nhắc, thận trọng như: “Sau khi phạm tội đã lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, ngoài lần phạm tội này ra chưa có lần nào vi phạm pháp luật và phải xem xét hành vi, hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội”  thì mới có thể xem xét có miễn TNHS hay không miễn TNHS. Còn đối với các trường hợp có chủ đích phạm tội thì quá trình giải quyết vụ án mà người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì không được miễn TNHS.
Cùng với những vấn đề nêu trên thì hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục hòa giải trong trường hợp này, thực tiễn áp dụng đang còn có những khó khăn, vướng mắc đó là, có ý kiến cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án các bên tự nguyện hòa giải thì tự lập biên bản hòa giải với nhau hoặc đến Ủy ban nhân dân  xã, phường để hòa giải. Sau đó, giao nộp lại biên bản hòa giải cho cơ quan tiến hành tố tụng. Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào biên bản hòa giải và ra quyết định miễn TNHS là đúng trình tự, thủ tục. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc tự nguyện hòa giải phải được lập thành biên bản do người tiến hành tố tụng được phân công thụ lý trực tiếp lập biên bản để ghi ý kiến của các bên. Nếu cần thiết người lập biên bản phải hỏi ý kiến về việc tự nguyện và ghi vào biên bản. Còn các bên tự lập biên bản hòa giải hoặc đến Ủy ban nhân dân xã, phường hòa giải, sau đó giao nộp biên bản hòa giải cho cơ quan tiến hành tố tụng là không có giá trị pháp lý. Bởi vì, có những trường hợp hòa giải là do ý trí của người phạm tội hoặc do bị người phạm tội cưỡng ép hoặc đe dọa dẫn đến người bị hại phải hòa giải dẫn đến không khách quan.
Theo ý kiến của chúng tôi thì việc hòa giải phải do người tiến hành tố tụng được phân công thụ lý vụ án lập biên bản mới có giá trị pháp lý. Bởi lẽ, tại các Điều 2 và 3 Luật hòa giải năm 2013 quy định:Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này. Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này. Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật này để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật này
Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Hòa giải ở cơ sở là việc Hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn các tranh chấp, hành vi vi phạm pháp luật. Còn việc vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính thì Hòa giải viên không được hòa giải. Như vậy, biên bản hòa giải phải do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng lập mới có giá trị pháp lý.
2. Một số kiến nghị
Xuất phát từ những nhận thức còn khác nhau về áp dụng thủ tục và chế định miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 nêu trên, để xem xét người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình giải quyết vụ án người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự nguyện hòa giải có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm, sớm trở về hòa nhập với cộng đồng và trở thành công dân tốt cho xã hội, nhằm bảo đảm công bằng giữa người phạm tội bị truy cứu TNHS với người phạm tội nhưng được miễn TNHS. Mặt khác, để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được thống nhất trong thực tiễn; chúng tôi đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 theo hướng,
Thứ nhất, đối với thủ tục hòa giải để xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì biên bản hòa giải phải do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng lập mới có giá trị pháp lý.
Thứ hai, miễn TNHS là thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của nước ta nên cần được xem xét áp dụng có hiệu quả, đúng mục đích đối với các trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng do cố ý. Trong quá trình giải quyết vụ án người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự nguyện hòa giải có đơn đề nghị miễn TNHS thì chỉ áp dụng đối với: Các tội xâm phạm sở hữu, người thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp bộc phát, tức thời phạm tội, không có chủ đích hoặc phạm tội do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Còn đối với các trường hợp phạm tội có chủ đích trước để thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi, chưa có tiền án, tiền sự, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp tự nguyện hòa giải có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cũng không được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS.


Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Quốc Hân, Phó viện trưởng, VKSND tỉnh Bình Phước và Ths. Lê Văn Quang, Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Nguồn tin: Tạp chí Kiểm sát số 14/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
qlvb
hdks
llv
lgo vkstoi cao
Hoàng Kim Panelbanner kiemsat2vks1
tvpl
bvpl
toa an
cong an tinh
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay15,228
  • Tháng hiện tại266,732
  • Tổng lượt truy cập13,813,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây