Nhiệm vụ quản lý, theo dõi, giải quyết các vụ, việc về hình sự tạm đình chỉ
Thứ hai - 21/10/2019 06:53Để bảo đảm tốt hơn công tác này, tiếp đó Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 về tăng cường trách nhiệm của Viện KSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ. Trong đó nêu ra 06 nhiệm vụ trọng tâm mà Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức thực hiện như:
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê;
+ Căn cứ kết quả rà soát, phân loại án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất hình thức, biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời án tạm đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể: Đối với các trường hợp chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định rõ nguyên nhân tạm đình chỉ và khẩn trương áp dụng các biện pháp khắc phục lý do tạm đình chỉ để phục hồi, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật; Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, phải kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp ra quyết định đình chỉ hoặc tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật;
+ Báo cáo công tác định kỳ của Viện kiểm sát các cấp phải có nội dung phân tích chi tiết về số liệu thống kê, phân loại và xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình;
+ Các đơn vị, bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có trách nhiệm lập, xây dựng hồ sơ án tạm đình chỉ theo đúng quy định về việc lập hồ sơ kiểm sát của Ngành;
+ Việc chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ cho đơn vị, bộ phận có trách nhiệm quản lý phải được thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng, đầy đủ tài liệu, chứng cứ phù hợp với giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án theo quy định. Việc tiếp nhận để theo dõi, quản lý và bàn giao hồ sơ án tạm đình chỉ để xử lý, giải quyết phải theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.
Đến ngày 14/02/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục ban hành Quy định về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án tạm đình chỉ của Viện KSND, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ- VKSTC với thời gian định kỳ phải rà soát là 03 tháng, quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý, khai thác hồ sơ, trách nhiệm rà soát, chuyển giao tài liệu...
Tạm đình chỉ điều tra trong Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định tại Điều 229 “Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra; Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra; Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra...”
Trên cở sở các quy định pháp lý, Chỉ thị và Quy định của Viện trưởng Viện KSND tối cao, trong thời gian qua Thủ trưởng các đơn vị trong Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị, Quy định này; thường xuyên yêu cầu cán bộ, công chức Viện kiểm sát hai cấp thực hiện tốt nhiệm vụ việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ; thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiểm tra, quản lý tương đối tốt với các vụ án hình sự tạm đình chỉ, quản lý tốt hồ sơ nguồn tin về tội phạm tạm đình chỉ. Tuy nhiên qua theo dõi về công tác này nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Số vụ án, số bị can phải tạm đình chỉ điều tra còn nhiều, tính đến tháng 7/2019 Viện kiểm sát hai cấp trong tỉnh Bình Phước tạm đình chỉ 281 vụ án/64 bị can (tức là đa phần tạm đình chỉ vì chưa xác định được bị can); tạm đình chỉ 578 tố giác, tin báo về tội phạm. Có nhiều vụ án để hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa xác định được bị can, phải đình chỉ vụ án. Việc này đồng nghĩa với việc bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo yêu cầu khám phá, giải quyết các vụ án theo yêu cầu của Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về "Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm".
Việc quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ ở một số đơn vị còn lỏng lẻo, có trường hợp sau nhiều năm tạm đình chỉ, vụ án không được nộp lưu để bị thất lạc hồ sơ kiểm sát, do có sự điều chuyển công tác của cán bộ được phân công trước đó. Nếu giao việc quản lý hồ sơ vụ việc tạm đình chỉ trực tiếp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên thụ lý quản lý thì dễ bị thất lạc sau nhiều năm. Nhưng nếu giao lại cho bộ phận văn phòng của đơn vị quản lý thì Điều tra viên, Kiểm sát viên dễ quên việc phải thường xuyên kiểm tra, làm rõ căn cứ tạm đình chỉ để phục hồi. Khi có thay đổi vị trí công tác, ở một số đơn vị chưa kịp thời phân công Kiểm sát viên, Điều tra viên mới theo dõi vụ án tạm đình chỉ.
Theo Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ; Quy định số 46 ngày 19/02/2019 về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án tạm đình chỉ, thì định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê. Do số lượng công việc nhiều nên sau khi đã tạm đình chỉ vụ án thì việc thường xuyên tiến hành kiểm tra căn cứ tạm đình chỉ ở một số đơn vị chưa được thường xuyên, nhất là trường hợp tạm đình chỉ do không xác định được bị can. Do đó chưa kịp thời tiến hành các hoạt động nhằm phục hồi điều tra giải quyết vụ án. Thường là đến khi phát sinh các vấn đề liên quan đến vụ án tạm đình chỉ đó, mới đi lục tìm hồ sơ để xử lý.
Phòng 3 có nhiệm vụ định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác này của đơn vị và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới. Tuy nhiên chưa thường xuyên tổ chức trực tiếp đi kiểm tra với từng huyện. Việc kiểm tra được thực hiện lồng ghép với các đoàn kiểm tra công tác 06 tháng đầu năm, cuối năm của Viện KSND tỉnh hoặc kiểm tra thông qua ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo định kỳ, đột xuất và qua hướng dẫn nghiệp vụ về công tác này với cấp huyện.
Việc tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can kéo dài gây bất lợi cho bị can vì địa vị pháp lý của họ bị treo lơ lửng, một số quyền của họ bị hạn chế vô thời hạn như quyền xuất cảnh, một số quyền chính trị. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của bị hại vì vụ án chưa được giải quyết, xử lý các hành vi tội phạm…
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên và qua thực tiễn hoạt động cho thấy để làm tốt hơn nữa việc quản lý, theo dõi, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ thì chuyên viên, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên được phân công trong công tác hình sự cần làm tốt hơn một số nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:
Một là, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện tốt việc phân loại, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kịp thời phối hợp với Cơ quan điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm để khám phá, phát hiện, xử lý tội phạm, làm giảm lượng án phải tạm đình chỉ.
Hai là, kiểm sát chặt chẽ việc ra Quyết định tạm đình chỉ của Cơ quan điều tra, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, tránh việc lạm dụng các lý do không đúng để tạm đình chỉ. Giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải có sự trao đổi thống nhất trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát án tạm đình chỉ, trong đó Kiểm sát viên phải kiểm tra chặt chẽ lý do tạm đình chỉ, căn cứ tạm đình chỉ, điều luật áp dụng cũng như hình thức, nội dung và thẩm quyền ban hành. Hồ sơ kiểm sát phải được trích cứu, photo lưu trữ đầy đủ các tài liệu tố tụng, các tài liệu chứng cứ quan trọng, các biên bản họp (nếu có), các báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị. Trong hồ sơ phải thể hiện việc định kỳ 03 tháng Kiểm sát viên cùng với Điều tra viên tiến hành rà soát căn cứ tạm đình chỉ.
Bốn là, Cán bộ kiểm sát phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình; Quy định số 46 ngày 19/02/2019 về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án tạm đình chỉ.
Viện kiểm sát các cấp phải quản lý chặt việc tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản, cập nhật tài liệu vào hồ sơ; giao nhận hồ sơ, kiểm tra, báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý hồ sơ vụ việc, hồ sơ vụ án tạm đình chỉ. Phân công cán bộ làm ở bộ phận tổng hợp mở sổ cập nhập thông tin, giao nhận hồ sơ tạm đình chỉ, lập biên bản bàn giao, ký nhận đảm bảo không để thất lạc hồ sơ tạm đình chỉ. Cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý sổ theo dõi án tạm đình chỉ, định kỳ 03 tháng báo cáo lãnh đạo đơn vị để đôn đốc các Kiểm sát viên được phân công theo dõi từng vụ tạm đình chỉ để rà soát điều kiện tạm đình chỉ, bổ sung tài liệu, chứng cứ vào hồ sơ tạm đình chỉ (nếu có); KSV phải có biện pháp yêu cầu Cơ quan điều tra thường xuyên xác minh, kiểm tra nhân khẩu làm rõ việc bị can bỏ trốn hay do đi làm ăn xa, hay có lý do khác...Lập biên bản vận động gia đình (người thân) của bị can, đưa bị can ra trình diện để được hưởng khoan hồng của Nhà nước để kịp thời ra quyết định phục hồi giải quyết vụ án hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án ra quyết định phục hồi giải quyết vụ việc, vụ án tạm đình chỉ theo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng để quên dẫn đến hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhận thức đúng về tầm quan trọng trong việc quản lý, theo dõi, giải quyết án tạm đình chỉ sẽ giúp Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Kiên quyết xử lý nghiêm và chống bỏ lọt các hành vi phạm tội, với nguyên tắc mọi hành vi phạm tội phải được điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của con người được thực thi và được pháp luật bảo hộ./.
Nguồn tin: VKSND tỉnh Bình Phước
Những tin mới hơn
- Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Giáo trình Luật tố tụng hình sự năm 2020 đại học luật Huế) (09/03/2020)
- XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÀI SẢN BỊ CHIẾM ĐOẠT NHƯ THẾ NÀO (13/03/2020)
- Bàn về giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công chứng, chứng thực (30/03/2020)
- BÀN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 ĐIỀU 29 BLHS NĂM 2015 (31/07/2020)
- Một số ý kiến từ thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (02/03/2020)
- Vướng mắc khi xử lý hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc (02/01/2020)
- Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra (11/11/2019)
- Vướng mắc trong áp dụng quy định đương nhiên xóa án tích (14/11/2019)
- Bàn về tội hủy hoại tài sản là di vật, cổ vật (25/12/2019)
- Tăng cường trách nhiệm trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra (21/10/2019)
Những tin cũ hơn
- Bảo đảm quyền con người trong áp dụng biện pháp tạm giam trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Luận văn Thạc Sĩ) (16/10/2019)
- (Luận án Tiến sĩ)Thực hành quyền công tố trong điều tra các tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam (03/10/2019)
- Bàn về thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hính sự (03/09/2019)
- Một số giải pháp để triển khai thực hiện quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn truy tố (14/08/2019)
- Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong điều tra vụ án hình sự” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước (25/06/2019)
- Quy định về niêm phong và mở niêm phong vật chứng: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện (06/05/2019)
- Hình phạt cải tạo không giam giữ theo pháp luật hình sự VN từ thực tiễn tỉnh Bình Phước (Luận văn thạc sĩ) (02/05/2019)
- Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội hiếp dâm trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Luận văn thạc sĩ) (02/05/2019)
- Khó khăn, vướng mắc bất cập khi áp dụng biện pháp cưỡng chế theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (23/04/2019)
- Hoàn thiện các quy định xử lý tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm (23/04/2019)
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc